Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ với Quảng Đông và Hong Kong

Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam lại càng đặc biệt coi trọng quan hệ với Quảng Đông và Hong Kong...

Tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam, Trung Quốc, đặc biệt là với Quảng Đông và Hong Kong có bước phát triển tích cực. Chỉ tính riêng năm 2016, thương mại song phương đạt 72 tỉ USD, chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cuộc tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra vào chiều 19/7 với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ  Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm cùng nhiều quan chức hai bên đã cho thấy cơ hội tiềm năng hợp tác rất lớn về kinh tế thương mại giữa hai bên.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết có nhiều lý do để tin rằng, hợp tác giữa hai bên sẽ phát triển tích cực trong thời gian tới, bởi kinh tế Việt Nam thời gian qua liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%, bất chấp những thách thức từ khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.  

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nông nghiệp, thủy sản.

Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam lại càng đặc biệt coi trọng quan hệ với Quảng Đông và Hong Kong. Những sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt, đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, với quy mô sản xuất ngày càng rộng, sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu từ thị trường hơn 100 triệu dân của Quảng Đông.

Trong khi đó, Hong Kong là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn nói chung.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kêu gọi các doanh nghiệp Quảng Đông, Hong Kong đầu tư vào các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông, lâm, thủy hải sản, các sản phẩm sữa, hoa quả đã chế biến có mặt nhiều hơn trên thị trường Quảng Đông, Hong Kong, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung phát triển cân bằng, bền vững.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm cho  biết, Quảng Đông là tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế của Trung Quốc. 28 năm nay GDP luôn đứng đầu cả nước. Hong Kong là trung tâm tài chính, vận tải lớn nhất.

Trong vòng 5 năm nay trở lại đây, thương mại giữa Quảng Đông, Hong Kong và Việt Nam tăng trưởng đều khoảng 17% và đều đang mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư mạnh mẽ hơn với Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững để hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 100 tỷ USD trong  năm 2017.

“Việt Nam-Quảng Đông-Hong Kong, Trung Quốc có tiềm năng đưa hợp tác hai bên đi lên một tầm cao mới. Lãnh đạo của Việt Nam và các cơ quan liên quan đã nhiều lần khẳng định mong muốn là ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường tiêu biểu cho trình độ cao của Trung Quốc đến Việt Nam để đầu tư kinh doanh, trao đổi làm ăn, như vậy thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Đông, Hong Kong và Việt Nam” – ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Thời gian vừa qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Trung Quốc liên tục 13 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2016, thương mại song phương đạt 72 tỉ USD, chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Năm 2016, Trung Quốc cũng đã lọt vào top 10 nhà đầu tư FDI lớn của Việt Nam – xếp thứ 8 với tổng vốn lũy kế đạt 10,5 tỉ USD. Thành tựu này phần nào phản ánh sự kỳ vọng cũng như coi trọng mà Việt Nam dành cho quan hệ Việt-Trung, đặc biệt là hợp tác kinh tế.

Đọc thêm