Việt Nam đẩy mạnh cải cách để ứng phó khủng hoảng

(PLVN) - Ngày 1/12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Phiên họp trực tuyến lần thứ 3 của Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN - OECD lần thứ 6 với chủ đề: “Cải cách hệ thống quy định để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VGP/Hoàng Giang.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VGP/Hoàng Giang.

Phát biểu khai mạc Phiên họp lần 3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là phiên họp cuối trong Chương trình nghị sự Hội nghị Mạng lưới thực hành quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6 năm 2020 do Việt Nam thực hiện với tư cách là nước chủ nhà ASEAN năm 2020.

Hai phiên họp trực tuyến trước đã được nhiều thành viên đánh giá là hữu ích để chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau trong xây dựng và thực hiện quy định tốt hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020 nhiều thử thách đối với các quốc gia trên thế giới kể từ thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19. Dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng.

“Việt Nam cũng không tránh được những tác động tiêu cực đó. Thêm nữa, trong tháng 10 vừa qua, chúng tôi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ ở khu vực miền Trung, nhưng kinh tế Việt Nam trong gần 1 năm qua tiếp tục duy trì ổn định”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ.

Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc, trong đó nổi bật là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực với thặng dư thương mại cao, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong 11 tháng qua.

Với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung, như việc phối hợp khắc phục dịch bệnh Covid-19 vừa qua.  

Đọc thêm