Việt Nam nhận 3 tỷ USD vốn ODA mỗi năm

(PLO) - 20 năm qua, kể từ năm 1993, đã có 50 nhà tài trợ cam kết dành 78 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, trong đó 63 tỷ USD đã được ký kết và  trên 42 tỷ USD đã được giải ngân.
Việt Nam nhận  3 tỷ USD vốn ODA mỗi năm
Trân trọng và sử dụng hiệu quả vốn ODA
20 năm qua, từ năm 1993 đến nay, đã có 50 nhà tài trợ, hoạt động hợp tác phát triển trong hầu hết các ngành, lĩnh vực trên tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam, với 78 tỷ USD vốn ODA được cam kết, trong đó 63 tỷ USD đã được ký kết và trên 42 tỷ USD đã được giải ngân, góp phần đưa Việt Nam gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp. 
Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam trong giai đoạn 1993-2012 với khoảng 19,81 tỷ USD. Pháp đứng thứ hai với 3,91 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ ba với 2,33 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) đứng đầu trong nhóm 6 ngân hàng phát triển với khoảng 20,1 tỷ USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đứng thứ hai với 14,23 tỷ USD vốn ODA cam kết.
Tại Lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ (17/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh,  trong 20 năm qua, Chính phủ các nước tài trợ, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ mạnh mẽ, những nguồn lực to lớn và sự hỗ trợ kỹ thuật quý báu để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển và đổi mới đất nước. 
Theo đó, nguồn ODA dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, nhất là giao thông vận tải, điện năng, thủy lợi, cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu,… 
Thủ tướng trân trọng đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn chân thành, sâu sắc đối với Chính phủ các nước tài trợ, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. “Đối với chúng tôi, sự hỗ trợ của các bạn không chỉ là những đồng vốn quý báu lúc Việt Nam còn nghèo, những hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách phát triển khi Việt Nam còn rất khó khăn trong chuyển đổi nền kinh tế mà còn mang đậm tình hữu nghị, tính nhân văn, tinh thần cộng đồng tương trợ lẫn nhau...” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
“Chính phủ Việt Nam sẽ luôn trân trọng và quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của các bạn” - Thủ tướng khẳng định.
4 bài học kinh nghiệm
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn đánh giá: bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình quản lý, sử dụng vốn ODA ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế về năng lực hấp thu viện trợ quốc gia, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch, thủ tục trong nước vẫn còn phức tạp, khác biệt với quy định của các nhà tài trợ quốc tế... 
Nhìn lại chặng đường hợp tác đã qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu một số bài học kinh nghiệm để Việt Nam và các nhà tài trợ hợp tác tốt hơn trong giai đoạn phát triển mới. Đó là, vai trò làm chủ quốc gia về chủ trương, chính sách và các mục tiêu phát triển với sự đồng tình và ủng hộ của các đối tác phát triển. Đây là yếu tố thể hiện tinh thần tự chủ, phát huy mạnh mẽ nội lực của chính mình và là một yếu tố quan trọng để hình thành mối quan hệ đối tác hợp tác phát triển hiệu quả. Thứ hai, bảo đảm nguồn lực đối ứng. Thứ ba là tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tiến gần tới các chuẩn mực quốc tế, trong đó, các quy định quản lý và sử dụng ODA phải ngày càng đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và hài hòa hơn với quy định của các nhà tài trợ là một yếu tố quan trọng cho việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ODA. Kinh nghiệm thứ tư, theo Thủ tướng, là nâng cao chất lượng đối thoại chính sách phát triển. Trong bối cảnh phát triển mới Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VPDF) tập trung đối thoại về chính sách và mở rộng sự tham gia của các bên, kết nối giữa đối thoại chính sách ở cấp ngành với cấp quốc gia.

Đọc thêm