Việt Nam nhất quán bảo đảm và thúc đẩy quyền con người

Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong đó có quyền dân sự, chính trị kinh tế, văn hóa và xã hội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 24/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, hầu hết các nước trong phiên họp  của Nhóm làm việc về Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 22/1 đều ghi nhận các thành tựu đạt được và khuyến khích Việt Nam tiếp tục các nỗ lực bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, trẻ em…; hoan nghênh và đánh giá cao sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của UPR đã chấp nhận tại chu kỳ II cũng như việc xây dựng báo cáo UPR chu kỳ III. 

Tại phiên đối thoại này, Việt Nam nhận được trên 300 khuyến nghị từ các nước với nội dung rất đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực về quyền con người. Các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các khuyến nghị này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, Việt Nam sẽ chính thức thông báo các khuyến nghị được chấp thuận tại khóa họp thường kỳ của Hội đồng nhân quyền LHQ vào tháng 6/2019.

Trả lời câu hỏi về việc một số tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi hoãn bỏ phiếu về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về  bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong đó có quyền dân sự, chính trị kinh tế, văn hóa và xã hội. Hiện nay, cả Việt Nam và EU đang nỗ lực để sớm chính thức phê chuẩn và đưa Hiệp định đi vào thực thi. 

Cung cấp một số thông tin liên quan đến việc công dân Việt Nam Phạm Thị Tuyết Mai bị bắt tại Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội “Buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện” trong thời gian từ ngày 1/10/2010 đến ngày 10/5/2011 do Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên án ngày 8/5/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có buổi gặp trực tiếp bà Mai để nghe trình bày về vụ việc và làm sáng tỏ các thông tin liên quan, theo dõi sát vụ việc để tiến hành các thủ tục bảo hộ công dân theo đúng quy định của pháp luật. 

Đọc thêm