Việt Nam quyết tâm chống tham nhũng, đề cao minh bạch chính sách

(PLO) - Hôm qua (5/12), một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao mới thay cho Hội nghị Nhóm tư vấn CG - Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) đã lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Thiết lập quan hệ đối tác mới: Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. 
Việt Nam quyết tâm chống tham nhũng, đề cao minh bạch chính sách
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế
Tham dự diễn đàn, Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã cùng các nhà tài trợ quốc tế hợp tác hiệu quả. Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đồng thời sớm hoàn thành cơ bản các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và xóa đói giảm nghèo. 
“Đây là niềm tự hào, là niềm vui chung của Việt Nam và các nhà tài trợ về sự hợp tác kiên trì, có hiệu quả và rất thành công trong suốt hơn 20 năm qua” - Thủ tướng nhấn mạnh và bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự hỗ trợ to lớn, hiệu quả của các Nhà tài trợ trong thời gian qua.
Thủ tướng cũng đề cập đến các định hướng trong 2 năm 2014 – 2015 của Việt Nam với các nhà tài trợ. Cụ thể, về tăng trưởng kinh tế, dự kiến GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%. Về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Thủ tướng cho biết năm 2014 – 2015, Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế… bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát, công khai minh bạch và có hỗ trợ cho người nghèo; nâng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 – 2014 là 5,3% GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần.
Theo Thủ tướng, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, có cơ chế khuyến khích sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu ngân hàng, thị trường tài chính và tái cơ cấu DNNN, chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trong năm 2014 – 2015. Đặc biệt là sẽ xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty VAMC, phấn đấu năm 2014 xử lý 100.000-150.000 tỷ đồng nợ xấu.
Thủ tướng cũng nêu ra 4 định hướng là thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề cao tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý phù hợp tại cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu nại vượt cấp.
Rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ
Trên cơ sở quan hệ đối tác mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, tư vấn để xây dựng cơ chế chính sách phù hợp hơn, cũng như sự hỗ trợ quý báu về nguồn lực của cộng đồng các nhà tài trợ nhằm giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo, vừa qua Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi) và sửa đổi một số luật quan trọng. Đồng thời, Việt Nam đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác và nền kinh tế hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...  có các tiêu chuẩn cao về kinh tế thị trường và dự kiến kết thúc trong 2014-2015. 
“Đó là những cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ đột phá về xây dựng thể chế, kiến tạo môi trường phát triển quốc gia hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn với sự tham gia tích cực, chủ động của các doanh nghiệp và mọi người dân. Trong tiến trình này, Việt Nam mong nhận được nhiều hơn nữa sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế” – Thủ tướng đúc rút.
Tại Diễn đàn, Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã chọn 4 chủ đề thảo luận, đó là giảm nghèo và giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc cung cấp dịch vụ nước sạch và vệ sinh; tăng cường hiệu quả của các hệ thống quản lý môi trường và nâng cao tính cạnh tranh thông qua phát triển kỹ năng, đào tạo nghề.
Đã xử lý 52 lãnh đạo do tham nhũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, giai đoạn 2011-2013, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 3 năm, qua thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 485,5 tỷ đồng và đã thu được 139 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 17 tập thể và 218 cá nhân; chuyển cơ quan điều ra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu. Bước sang năm 2014-2015, Thủ tướng tuyên bố sẽ thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời đề cao tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.

Đọc thêm