Vỏ tàu Cảnh sát Biển 2016 đã có mặt tại Hà Nội

(PLO) - Bắt đầu từ hôm qua (15/7), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã mở cửa triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam”, giới thiệu rộng rãi cho nhân dân và bạn bè quốc tế hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…  
Vỏ tàu Cảnh sát Biển 2016 được trưng bày tại triển lãm
Vỏ tàu Cảnh sát Biển 2016 được trưng bày tại triển lãm
Ngay tại triển lãm, người xem có thể “sờ tận tay” một phần mạn phải tàu Cảnh sát Biển 2016 - vị trí mà con tàu này bị tàu Hải cảnh Trung quốc đâm thẳng vào khi đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa ngày 1/6/2014.
Hiện vật đưa về từ “điểm nóng”
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu hàng loạt bức ảnh khổ lớn thể hiện tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân bị chìm, đâm hoặc dùng vòi rồng tấn công tàu Cảnh sát Biển và tàu Kiểm ngư Việt Nam. Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng LLVTND, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho hay: “Những mảnh tàu Cảnh sát Biển số hiệu 2012 và 2016 bị tàu Hải cảnh của Trung Quốc đâm va đưa ra trưng bày lần này là những bằng chứng thể hiện âm mưu, hành vi hèn hạ của Trung Quốc trên biển Đông”.
Chia sẻ cảm xúc khi tận mắt chứng kiến những mảnh tàu Cảnh sát Biển bị móp méo, rách ngang, rách dọc, bác Nguyễn Thế Vinh - một người dân sống tại Hà Nội cho hay: “Trước đây, tôi chỉ chứng kiến vỏ tàu Cảnh sát Biển, tàu Kiểm ngư bị tàu Trung Quốc đâm rách qua tivi, qua báo chí. Nhưng trực tiếp nhìn thấy hiện vật này, tôi thật sự căm phẫn trước hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam. Đây cũng thể hiện sự kiên quyết đấu tranh của lực lượng Cảnh sát Biển, Kiểm ngư Việt Nam, khẳng định ý chí quyết tâm của người Việt Nam trong bảo vệ mỗi tấc đất, biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc”.
Mỗi hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại triển lãm đều là bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Mỗi hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại triển lãm đều là bằng chứng
khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa 
Còn cựu chiến binh, Đại tá Trần Minh Thước thì lại có cách thể hiện cảm xúc riêng, ông viết trong Sổ tay của triển lãm: “…Trời của ta, đất của ta/Chung tay quyết giữ lời thề núi sông/Ơi anh Cảnh sát biển Đông/Ơi đoàn tàu cá sánh cùng Kiểm ngư/Tàu xanh cờ đỏ tứ bề/Giăng câu, thả lưới cá về đầy khoang”.
Nhân chứng sống
Có mặt tại triển lãm và được coi là “nhân chứng sống” về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cựu chiến binh, Đại tá Trần Quân Bảo chỉ vào hai bức ảnh và giới thiệu: “Đây là hai bức ảnh mà 3 anh em tôi chụp với bố mẹ sau khi từ đảo Hoàng Sa về đất liền. Bố tôi là Trần Văn Phước, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về vô tuyến điện được chính quyền Bảo hộ Pháp bổ nhiệm làm Trưởng trạm Vô tuyến điện đảo Hoàng Sa (khi ấy gọi là đảo Paracels) vào cuối năm 1938. Họ đã đồng ý để bố tôi đưa gia đình cùng đi ra đảo nên gia đình tôi, gồm bố mẹ tôi và 3 anh em chúng tôi đã trở thành những cư dân sinh sống và làm việc trên đảo Hoàng Sa từ những năm 1939-1940”. 
Nhớ về những cảnh vật cách đây 75 năm trên đảo Hoàng Sa, ông Bảo kể: “Lúc ra đảo thì tôi khoảng 4-5 tuổi. Ở đó, cũng có rất nhiều người Việt Nam sinh sống. Nhiều cảnh vật ở đảo tôi vẫn nhớ như: ngọn hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện, 2 cột ăng- ten. Anh em tôi thường đi đào lấy trứng vích hoặc đi bắt ốc tai tượng và ốc hương… Những gì tôi được chứng kiến, được trải qua trong 2 năm trên đảo chính là những bằng chứng khẳng định từ những năm 1930-1940 đảo Hoàng Sa đã có những công trình kiên cố và cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc…”. 
Cựu chiến binh, Đại tá Trần Quân Bảo bên những hiện vật tại triển lãm
Cựu chiến binh, Đại tá Trần Quân Bảo bên
những hiện vật tại triển lãm 
Minh chứng cho lời của ông Bảo, ngay tại triển lãm này có sự xuất hiện Giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy. Phái đoàn ở đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa (CH Pháp, thuộc nước An Nam ) đã làm giấy chứng sinh cho bà Quy vào ngày 28/6/1940 ghi rõ: “Ngày và nơi sinh: 7/12/1939, tại đảo Pattle (Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa); là con gái ông Mai Xuân Tập - nhân viên khí tượng và bà Nguyễn Thị Thắng - nội trợ; người làm chứng thứ nhất: Nguyễn Tăng Chuẩn - bác sỹ Đông Dương; người làm chứng thứ 2: Đỗ Đức Mùi - Giám đốc Đài phát thanh”.
Đại tá Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: “Ngoài những hiện vật trên thì triển lãm còn giới thiệu hàng loạt bản đồ như Bản đồ cổ Việt Nam do Vua Minh Mạng cho vẽ năm 1838, An Nam Đại quốc họa đồ của giám mục Taleb xuất bản tại phương Tây năm 1838… đều  xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một số bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây thế kỷ XVI- XX và Hoàng triều nhất thống chí dư địa tông đồ do Trung Quốc xuất bản năm 1894 ghi nhận điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam. 
Đặc biệt, một hiện vật mới sưu tầm được là Nghị định số 3282 ra ngày 5/5/1939 của Toàn quyền Đông Dương (về việc chia quận hành chính Hoàng Sa thành hai quận hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên) cũng được giới thiệu với nhân dân tại triển lãm này”.
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam” lần này là hoạt động thiết thực tôn vinh những cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trên cơ sở đó xây dựng lòng tin, ý chí và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời cũng là tiếng nói góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lập trường chính nghĩa của Việt Nam, từ đó nâng cao nhận thức xây dựng tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Triển lãm cũng giúp bạn bè quốc tế thấy được thiện chí cũng như mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới - Đại tá Nguyễn Xuân Năng khẳng định.

Đọc thêm