Vụ DA nhạc nước trên hồ Tam Bạc: Giải trình chưa thỏa mãn cử tri

(PLO) -Trước những bức xúc trong dư luận địa phương, tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.Hải Phòng khóa XIV (ngày 14-15/7 vừa qua), đại diện UBND TP.Hải Phòng đã có giải trình về dự án (DA) đầu tư xây dựng hệ thống trình diễn nhạc nước trên hồ Tam Bạc trị giá gần 200 tỷ đồng - dự án mà PLVN phản ánh trong số báo ngày 13 - 14/7.

Công trình nhạc nước trên hồ Tam Bạc chưa hẹn ngày bàn giao.
Công trình nhạc nước trên hồ Tam Bạc chưa hẹn ngày bàn giao.
Mập mờ từ chủ trương đầu tư
Tại kỳ họp, ông Đoàn Duy Linh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hải Phòng giải trình, không phải cuối năm 2014 Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Dương Anh Điền mới quyết định đầu tư hệ thống trình diễn nhạc nước này. Trước đó, từ năm 2012 - 2013, Hải Phòng đã có chủ trương giao cho Sở VHTTDL Hải Phòng thực hiện DA hệ thống trình diễn nhạc nước tại hồ Tam Bạc. Tuy nhiên, do nhiều lý do, Hải Phòng đã tạm dừng triển khai DA.
Cuối năm 2014, ông Dương Anh Điền quyết định cho triển khai lại DA trị giá gần 200 tỷ đồng với mục tiêu tạo thêm sản phẩm du lịch, phục vụ các ngày lễ lớn trong năm 2015 của Hải Phòng. Chính vì vậy, những yêu cầu đề ra của Hải Phòng đối với chủ thầu - Cty TNHH Du lịch Sơn Lâm, một doanh nghiệp (DN) chuyên tổ chức sự kiện có trụ sở tại TP.Hà Nội) là: phải đảm bảo tiến độ thi công; hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hệ thống trình diễn nhạc nước để đưa vào sử dụng đúng dịp 13/5 - kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.
Nhưng lý giải của ông Đoàn Duy Linh về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư từ ông Dương Anh Điền như trên dường như đã không thuyết phục được nhiều đại biểu HĐND TP.Hải Phòng. Tuy nhiên, do tại kỳ họp này chỉ có phần trả lời kiến nghị cử tri chứ không có phần chất vấn nên nhiều đại biểu đã tỏ ra không hài lòng vì không được đưa ra thắc mắc, kiến nghị với mong muốn được làm rõ trực tiếp ngay tại kỳ họp. 
Một số đại biểu HĐND TP.Hải Phòng đã thẳng thắn chia sẻ với phóng viên Báo PLVN: năm 2013 Hải Phòng mới thông báo giao cho Sở VHTTDL làm chủ đầu tư. Còn việc quyết định hình thức đầu tư (xã hội hóa hay sử dụng vốn ngân sách)  cũng chưa được Thường trực Thành ủy, HĐND TP.Hải Phòng quyết nghị;  ự án mới “thai nghén” đã bị dừng lại nên ông Dương Anh Điền muốn tái khởi động áDA thì cần phải được sự chấp thuận từ Thường trực Thành ủy, HĐND TP; việc ông Dương Anh Điền “tự quyết” chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư là trái với quy chế làm việc của Thành ủy, HĐND, UBND TP. 
Theo ông Linh, hệ thống trình diễn nhạc nước được Chủ tịch Dương Anh Điền quyết định đầu tư có giá trị nghệ thuật cao, lần đầu tiên được xây dựng tại Hải Phòng. 
Tuy nhiên, cái gọi là “nghệ thuật cao” ở đây lại được nhiều cử tri TP.Hải Phòng cho rằng, các “gói” thiết bị gồm máy bơm “phụt” nước kết hợp hệ thống ánh sáng, âm thanh được Cty TNHH Du lịch Sơn Lâm nhập khẩu từ nước ngoài thật ra đã được các khu du lịch Vinpearl (Nha Trang), Tuần Châu (Quảng Ninh) lắp đặt từ nhiều năm trước, không phải sản phẩm hoàn chỉnh do DN này sáng tạo.
Để lách quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, đơn vị trình ý tưởng xây dựng hệ thống nhạc nước; nhập khẩu thiết bị, trực tiếp thi công hệ thống nhạc nước đã đem “Kịch bản biểu diễn” được Hội đồng nghệ thuật TP.Hải Phòng thẩm định tới Bộ VHTTDL để xin cấp chứng nhận quyền tác giả cho hệ thống nhạc nước kết hợp âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo nghệ thuật “Đêm sắc màu Hải Phòng”. Nhưng điều đáng nói là, thời điểm này, dàn thiết bị âm thanh, ánh sáng, hệ thống phụt nước chưa được nhập khẩu vào Việt Nam, chưa được lắp đặt; chưa ai nhìn thấy, sờ thấy “Đêm sắc màu Hải Phòng” hình hài ra sao; chương trình “biểu diễn nghệ thuật” còn đang ở dạng “tương lai” nhưng không hiểu tại sao vẫn được bảo hộ quyền tác giả và cấp chứng nhận là “tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả” từ khâu sáng tác đến thi công công trình. 
Lấy lý do đây là “công trình nghệ thuật gắn với quyền tác giả” (quyền nhập khẩu thiết bị - PV), Hải Phòng đã chỉ định chính Cty TNHH Du lịch Sơn Lâm làm nhà thầu đối với hàng loạt các gói thầu, từ thiết kế, thi công, xây lắp và cung cấp thiết bị cho DA.
Mặc dù có dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư khi Hải Phòng cho Cty TNHH Du lịch Sơn Lâm vừa là tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, lắp đặt, xây dựng… nhưng theo ông Đoàn Duy Linh thì “UBND TP.Hải Phòng đã chỉ đạo sát sao, nhà thầu đáp ứng được các yêu cầu của TP”.  
Ông Đoàn Duy Linh phát biểu tại kỳ họp HĐND.
Ông Đoàn Duy Linh phát biểu tại kỳ họp HĐND. 
Chưa hẹn ngày bàn giao
Tại kỳ họp, ông Đoàn Duy Linh cho biết, đến nay toàn bộ hệ thống nhạc nước vẫn được nhà thầu quản lý, vận hành; Nhà thầu vẫn chưa bàn giao công trình cho TP.Hải Phòng; “nhà thầu cam kết bảo hành công trình 3 năm” và “hệ thống nhạc nước không tránh khỏi những chi tiết cần phải điều chỉnh, nhà thầu tiếp tục chạy thử để đáp ứng yêu cầu đề ra trước đó từ TP.Hải Phòng”. Nhưng điều quan trọng nhất mà các đại biểu muốn được nghe là “đến thời hạn nào nhà thầu sẽ bàn giao cho Hải Phòng quản lý, vận hành” thì ông Linh lại không đáp ứng được.  
Sau phần trả lời kiến nghị của cử tri, nhiều đại biểu HĐND đặt vấn đề Sở VHTTDL thay mặt UBND TP.Hải Phòng giải trình nhưng vẫn chưa trả lời được vấn đề năng lực của nhà thầu. Phải chăng nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện những gói thầu có tính đặc thù, mang yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật cao nên hệ thống nhạc nước vẫn trong tình trạng chạy thử? Có người còn dẫn chứng, theo thiết kế được Hải Phòng phê duyệt, toàn bộ thiết bị nhạc nước gồm đầu phun, máy bơm chìm, tấm lọc lưỡng sắc... được chứa trong 4 bể chứa, có hệ thống kính bao bọc để thích ứng với triều cường. Tuy nhiên, hệ thống kính bao đã không thấy được lắp đặt nên toàn bộ các đầu phun bị chìm trong nước mỗi khi triều cường dâng cao khiến hệ thống nhạc nước không thể hoạt động?
Đại biểu Nguyễn Văn Đ (đề nghị được giấu tên) chua chát thốt lên, sản phẩm du lịch mới đâu chưa thấy, chỉ thấy gần 200 tỷ nằm phơi sương, phơi nắng. Sự lãng phí đã thấy rõ trong quyết định đầu tư từ lãnh đạo cao nhất của TP.Hải Phòng. Đã đến lúc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, các cơ quan giám sát của Hải Phòng phải vào cuộc để làm rõ động cơ, mục đích và hệ quả việc đầu tư gần 200 tỷ cho một công trình bị đánh giá là lãng phí, bất cập… Trước tiên, những người “hạ bút” phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc gây lãng phí ngân sách nhà nước trong vụ việc này.

Đọc thêm