'Vũ khí' chống luận điệu xuyên tạc

(PLO) - "Xây" dẫn chứng để chống luận điệu xuyên tạc là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại hội nghị “Cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức hôm qua (25/5).
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, những năm qua, Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực thi quyền con người đã được ban hành; việc đảm bảo, phát huy quyền con người ở Việt Nam có nhiều bước tiến đáng khích lệ. Hệ thống pháp luật đảm bảo thực thi quyền con người ngày một hoàn thiện.

Đời sống nhân dân ổn định, an sinh xã hội đảm bảo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng cao trên các diễn đàn quốc tế về quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận... Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ làm công tác tuyên truyền về nhân quyền. 

Tuy vậy, công tác tuyên truyền về quyền con người trên báo chí thời gian qua vẫn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, việc phối hợp tuyên truyền chưa nhịp nhàng, việc cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền về nhân quyền chưa kịp thời. Bên cạnh đó, thông tin tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên báo chí còn lúng túng, bị động...

Theo Bộ trưởng Tuấn, những hạn chế này có nguyên nhân từ sự thiếu phối hợp thông tin giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp với cơ quan báo chí, dẫn đến một thực tế tuyên truyền về quyền con người trên báo chí ở Việt Nam chưa tương xứng với thành tựu đạt được trong thời gian qua. 

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn “Chúng ta lấy xây để chống, lấy chống để xây... để từ đó, bằng những số liệu, dẫn chứng cụ thể, thiết thực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đề nghị: “Chúng tôi rất muốn có một đội “đặc nhiệm tác chiến” về công tác nhân quyền, trong đó có sự tham gia của các bộ, ngành và báo chí”.

Ngoài ra, các đại biểu kiến nghị cần nâng tầm hoạt động chỉ đạo thông tin tuyên truyền về nhân quyền; có cơ chế, bộ máy thống nhất trong việc cung cấp thông tin về nhân quyền cho các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo thực thi quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm đến người dân ở vùng sâu, vùng xa...

Đọc thêm