“Vựa rau xanh” miền biên viễn

(PLO) - Vượt lên trên sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395) đã tích cực đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất (TGSX), tạo nên “Vựa rau xanh” nơi miền biên viễn, tự túc nguồn thực phẩm tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống bộ đội.
Chăm sóc rau xanh của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 7
Chăm sóc rau xanh của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 7

Dù ở vùng này tần suất những trận mưa nhiều hơn nhưng đất ở khu vực tăng gia thuộc Đại đội 3, Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395) vẫn rời rạc và khô khốc. Thấy tôi tỏ ra băn khoăn, Trung sĩ Đặng Thanh Huy, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Trung đội 7 hóm hỉnh: “Ở đây là khu vực đồi núi, đất đá ong nên mưa phùn chỉ có thể làm ướt lá rau, nhưng đất thì vẫn khô như gặp hạn hán vậy. Thế nhưng nhờ đôi bàn tay chăm sóc của chúng em nên rau cứ xanh tốt quanh năm, cung cấp đủ cho bếp ăn hàng ngày của đơn vị”.

Dù tập trung cho nhiệm vụ huấn luyện, song cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 vẫn đảm nhận diện tích đất tăng gia gần 3.000m2, thường xuyên duy trì từ 5 đến 6 loại rau, được trồng xen canh, gối vụ một cách khoa học.

Những luống cải bắp đang cuộn tròn chắc nịch, những vạt cải mỡ như thảm lụa xanh khổng lồ trải rộng trên sườn đồi, những củ cải đang cựa mình đội đất nhô cao, xen lẫn những luống giống rau mồng tơi, rau muống đang bắt đầu vươn từng chiếc lá mầm đầy sức sống... là minh chứng rõ nét nhất về sự nỗ lực trong công tác TGSX của đơn vị.

Thượng úy Phạm Văn Đạt, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 chia sẻ: “Để có được những khu tăng gia như thế này, chúng tôi đã bỏ ra hàng trăm ngày công lao động, san lấp lấy mặt bằng. Mỗi lần hành quân, cán bộ, chiến sĩ lấy đất mùn đồi mang về đơn vị, trộn với đất bùn ao phơi khô, kết hợp với phân chuồng, phân xanh, phân NPK, đem ủ một thời gian làm đất màu.

Muốn đất không bị rửa trôi và giữ nước cho rau sinh trưởng, chúng tôi đã đổ từng tấm bê tông (kích thước 4cm x 30cm x 60cm), quây thành từng luống rau. Với chất đất ở nơi đây, việc duy trì tưới đủ nước cho rau 2 lần/ ngày (sáng, chiều) và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất sau mỗi lần thu hoạch rau là nhân tố quan trọng bảo đảm cho vườn rau luôn sinh trưởng tốt”.

Với diện tích đất TGSX của toàn Trung đoàn hơn 6ha đất canh tác, trên 1.000m2 mặt nước và hàng trăm mét vuông giàn, được quy hoạch khoa học đã tạo nên bước đột phá mới trong công tác TGSX của đơn vị. Vì vậy, dù quân số biên chế huấn luyện năm nay cao hơn các năm trước, nhưng hiện nay, Trung đoàn vẫn bảo đảm tự túc được cơ bản thực phẩm cho các bếp ăn.

Làm được điều đó, ngay từ đầu năm, chỉ huy các cấp đã xây dựng kế hoạch công tác TGSX, chỉ đạo chặt chẽ trong trồng từng loại rau, chú trọng đột phá cải tạo đất canh tác và quy hoạch lại các khu vực tăng gia. Bên cạnh đó, đơn vị đã mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng dẫn của Sư đoàn và Quân khu.

Trung tá Vũ Đình Việt - Phó Trung đoàn trưởng - khoe với chúng tôi: “Mới đây Trung đoàn đã xây bổ sung 3 chuồng chăn nuôi lợn với diện tích 750m2, chuyển diện tích đất canh tác và diện tích giàn từ trồng rau, củ, quả vụ đông sang mùa hè được trên 4ha. Cùng với đó, để chủ động giống, chúng tôi mở rộng vườn ươm của đơn vị, đồng thời liên hệ với các cơ sở sản xuất giống rau có uy tín ở Thái Bình, Hải Dương để mua về trồng.

Bên cạnh đó, đơn vị đang phát triển đàn trâu, nuôi lợn rừng, lợn sinh sản và đầu tư phát triển khu TGSX và khu giết mổ tập trung, nâng cao hơn nữa hiệu quả chế biến món ăn. Hiện nay, Trung đoàn bảo đảm tự túc được 100% thịt lợn xô lọc, rau, củ quả; 60% - 70% cá và trên 50% gia cầm”.

Với chủ trương sát đúng, cách làm phù hợp, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 43 đã biến những sườn đồi đá ong thành những vạt rau xanh, ao cá và các khu chăn nuôi, tự túc nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, bảo đảm cho đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị trở thành lá chắn vững chắc nơi miền biên viễn của Tổ quốc.

Đọc thêm