Xác định rõ đối tượng được trợ giúp pháp lý

(PLO) - Sáng hôm nay (10/11), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về luật Trợ giúp pháp lý TGPL (sửa đổi). Các ĐBQH đã rất tán đồng với Ban soạn thảo về quy định mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý. Theo ý kiến của một ĐBQH, việc trợ giúp pháp lý chính là để thực hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Một trong những sửa đổi quan trọng của Dự thảo luật TGPL lần này là mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý. Phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay, các ĐBQH đã rất tán thành với chủ trương này của Chính phủ. 

Thay mặt cử tri tỉnh Bến Tre, đóng góp ý kiến trong phiên họp về Dự luật này,  ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói:  Có nhiều hình thức trợ giúp pháp lý. Trợ giúp có  thu phí, trợ giúp nội bộ, trợ giúp thiện nguyện và đối tượng trợ giúp của chúng ta trong luật này là người có công, đối tượng yếu thế trong xã hội, và được thực hiện bằng nguồn lực ngân sách.

Nói về việc trợ giúp pháp lý cho người có công, ĐB cho rằng  “nó là truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là  đạo lý “quốc bảo của Việt Nam”.” Theo đại biểu, những người này cần được trợ giúp pháp lý không cần họ phải chứng minh là họ không có tiền.  Đối tượng thứ hai cần được trợ giúp pháp lý là những người yếu thế trong xã hội. Đặc trưng riêng của nhóm đối tượng này là thiếu hiểu biết, không có tiền. Theo ông, cần phải rà soát để tránh tràn lan. Bởi mỗi đối tượng sẽ có trợ giúp ở ngạch riêng.”

ĐB  Phạm Đinh Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng phát biêu: “Tôi đánh giá cao Dự thảo của luật. 10 năm qua, chúng ta đã thể hiện tính nhân văn cao cả, sâu sắc của nhà nước, quan tâm đến người có công, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Qua đó, tạo cơ sở pháp ý quan trọng, thúc đẩy công tác  trợ giúp. Hàng năm hàng ngàn số phận con người đã được trợ giúp pháp lý.” 

Đồng tình với phạm vi điều chỉnh của Dự luật, ĐB cho biết nếu theo ý kiến của một số ĐB khác để mở rộng đối tượng hơn nữa thì “không thể Nhà nước nào trợ giúp được.” 

Kết thúc buổi thảo luận, thực hiện nhiệm vụ giải trình một số ý kiến của các ĐB trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mục tiêu của việc sửa đổi Luật TGPL lần này là trả lại bản chất của trợ giúp pháp lý là giúp đỡ người có công, người yếu thế trong xã hội. “Và xã hội hóa được thì tốt, còn nếu không thì đó vẫn là trách nhiệm của nhà nước’, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, đối tượng  được trợ giúp pháp lý của chúng ta hiện nay nay rộng nhất thế giới.  Nhận định này được so sánh với luật của các nước và các điều ước quốc tế liên quan.  

Bộ trưởng nói: “Chính sách của ta rất nhân văn, nhiều đối tượng chính sách. Ý định của Ban soạn thảo là cho đúng bản chất của nó, là đối tượng được xác định rõ ràng. Con số cụ thể bao nhiêu sẽ Chính phủ nghiên cứu, Sẽ phù hợp với thông lệ của quốc tế.

Quốc hội khóa XI thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) ngày 29/6/2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác TGPL phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng. 

Tuy nhiên, theo Luật TGPL hiện hành, diện người được TGPL còn chưa đầy đủ. Quy định về đối tượng được TGPL chưa bảo đảm tính hợp lý, còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau do có sự thay đổi, bổ sung trong các chính sách an sinh xã hội (như Nghị định hướng dẫn Luật TGPL, các Luật có liên quan ban hành sau Luật TGPL quy định về người được TGPL gồm nạn nhân bị mua bán theo Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật năm 2010, trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016). 

Hơn nữa, quy định người được TGPL cũng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn và tinh thần Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và các điều ước quốc tế liên quan khác mà Việt Nam là thành viên. Mặt khác, khoảng cách trong việc tiếp cận pháp luật có sự chênh lệch, một số đối tượng khó khăn về tài chính không có điều kiện chi trả cho các dịch vụ pháp lý nhưng chưa được tiếp cận dịch vụ TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hoạt động TGPL với bản chất là giúp đỡ các đối tượng yếu thế giải quyết các vụ việc cụ thể khi họ phải đối mặt với pháp luật chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động TGPL đang lẫn lộn với các hoạt động khác, nhiều lúc TGPL được thực hiện một cách dàn trải, thậm chí còn mang tính chất phong trào. Một nguồn lực lớn của Nhà nước dành cho các hoạt động như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động. Trong khi đó, số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng các hình thức như tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở và tư vấn tiền tố tụng là những yêu cầu thiết thực và đúng bản chất của TGPL thì còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn.

Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) gồm 08 Chương, 49 Điều, được thiết kế theo hướng:  Kế thừa quy định người được TGPL từ Luật TGPL năm 2006 bao gồm: Người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Bổ sung các đối tượngđược TGPL trong các luật ban hành sau Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn Luật TGPL hiện hành bao gồm: nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; trẻ em bị buộc tội; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội.

Bổ sung mới một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định bao gồm: Người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Theo Ban soạn thảo, việc lựa chọn những người được TGPL đã có sự cân nhắc kỹ bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở cân đối nguồn lực về con người và ngân sách, nhằm mục tiêu TGPL được cung cấp cho những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý, bảo đảm tính khả thi của pháp luật khi được ban hành. 

Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về  người có “hoàn cảnh khó khăn về tài chính” tại Nghị định cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ phát triển của đất nước./.

Đọc thêm