Xây đảo nhân tạo tại Trường Sa: Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

(PLO) - Việc Trung Quốc bồi đắp, xây đảo nhân tạo trên biển Đông là hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, gây căng thẳng với các nước trong khu vực và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh kinh tế, thương mại... gây bức xúc dư luận trong nước và quốc tế.
Hội thảo thu hút nhiều học giả, luật gia.
Hội thảo thu hút nhiều học giả, luật gia.
Đó là những ý kiến bày tỏ sự lo ngại của hầu hết hơn 200 học giả, luật gia trong nước và quốc tế tại Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” diễn ra ngày 25/7 tại TP. Hồ Chí Minh.
Bất chấp luật pháp quốc tế
Tại buổi hội thảo, các học giả, luật gia đã trình bày những tham luận của mình xoay quanh việc Trung Quốc tự ý xây dựng, tôn tạo, bồi đắp bất hợp pháp các bãi đá, rạn san hô và các thực thể địa lý tại quần đảo Trường Sa, các cơ sở pháp lý và những quy định của luật pháp quốc tế xung quanh vấn đề này. Trên cơ sở bình luận một số định nghĩa của các học giả có uy tín lớn trong lĩnh vực luật quốc tế và luật biển quốc tế như Soon, Robert Beckman, Heijmans.
TS.Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh cho rằng, đảo nhân tạo là công trình do con người xây dựng cố định, vĩnh viễn trên nền của đáy biển bằng các vật liệu tự nhiên như đất, đá, cát hoặc bê tông, được bao quanh bởi nước và nổi trên biển khi thủy triều lên cao để khẳng định hoặc yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên biển. 
Tiến sỹ Erik Franckx, Trưởng khoa Luật Quốc tế và Luật Châu Âu, Đại học Vrije Universiteit Brussels (Vương quốc Bỉ), Trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế La Haye - Hà Lan cho hay, đảo nhân tạo chỉ được hưởng một “vùng an toàn hợp lý” xung quanh chúng, được quy định bởi Công ước về Luật Biển của Liên Hợp quốc 1982 (UNCLOS), vốn thông thường không được vượt quá 500m.
Mặt khác, thẩm quyền của quốc gia ven biển trong vùng an toàn theo đó không phải tùy nghi, mà vì lợi ích được bảo vệ không chỉ đối với bản thân các đảo nhân tạo mà còn đối với hoạt động hàng hải. 
“Trung Quốc đã hành động trái với luật pháp quốc tế, bất chấp sự quan ngại của dư luận quốc tế. Những hành động của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua là chống lại xu thế hòa bình, ổn định cũng như sự cân bằng quyền lực tại khu vực”. Đó là nhận định của ông Anup Signh, nguyên Tổng Tư lệnh lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ.
Ông Anup Signh nhận định: Những hành động của Trung Quốc là động thái quân sự hóa trên biển Đông, nó càng khiến biển Đông trở thành điểm nóng căng thẳng hàng đầu, bởi biển Đông là vùng biển quan trọng nhất trên thế giới.
Tiến sĩ A. Ponkina Alena, giảng viên Đại học Luật Kutafin (Nga) cho rằng:Việc đơn phương tôn tạo, bồi đắp các đảo nhân tạo thậm chí là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với sự tự do hàng hải và đánh bắt cá, hoặc có thể gây ra những xung đột vũ trang quốc tế trầm trọng hơn. Thậm chí nguy cơ các đảo nhân tạo huỷ hoại môi trường biển có thể là tội ác quốc tế.
Hành vi cải tạo và xây dựng những công trình nhân tạo của Trung Quốc tại biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và các cam kết chính trị mà Trung Quốc đã và đang tham gia.
“Nóng” nguy cơ chạy đua vũ trang
Không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, theo các học giả trong và ngoài nước, những tác động tiêu cực do hành động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc đã và đang gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đối với môi trường, sinh kế, thương mại, hàng hải, hàng không... cũng như vấn đề hòa bình và an ninh trong khu vực.
Tiến sĩ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, Trung Quốc không chỉ đang hành động ngang ngược mà còn có những chiêu bài nhằm che đậy và biện minh cho hành động phi pháp của mình bằng việc vận dụng UNCLOS theo cách riêng của mình và đó là điều hoàn toàn sai trái. Hành động đó càng tạo thêm sự phẫn uất và bức xúc dư luận trong và ngoài nước.  
Giáo sư, Tiến sỹ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Biển Đông vẫn đang cuộn sóng. Đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014. Và nay Trung Quốc lại tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo với quy mô rất lớn tại 7 nơi trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam...
Trong khi đó, ông Anup Signh tỏ ra lo ngại: “Trung Quốc đã đơn phương hành động trái với luật pháp quốc tế, bất chấp sự quan ngại của nhiều nước và dư luận quốc tế. Tất cả các hành vi gây hấn đó của Trung Quốc trên biển Đông có tác động rất nghiêm trọng đến an ninh và sự cân bằng quyền lực tại khu vực. Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã và đang tiến hành các hành động quân sự hóa trên biển Đông, do đó có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang”. 
Cũng theo ông Anup Singh, cuộc chạy đua vũ trang này sẽ biểu hiện ở việc các nước tăng chi phí quốc phòng cả vốn lẫn doanh thu thông qua việc mở rộng quân sự và các cuộc tập trận. Bên cạnh đó, các nước sẽ cạnh tranh về “độ sẵn sàng” của quân đội và các quốc gia có thể sẽ “chạy đua” sự hiện diện nhiều hơn của các lực lượng trong khu vực. Xa hơn nữa, các nước sẽ có thể có thêm các động thái đòi hỏi “quyền tài phán” trong khu vực này... ông nhận định./.

Đọc thêm