Xây dựng “gia đình hạnh phúc” là thực hiện lời dạy của Bác Hồ về xây dựng “đời sống mới”

(PLO) - Thời gian qua, mặc dù chính quyền có nhiều nỗ lực trong phát động xây dựng gia đình văn hóa nhưng các bất cập vẫn diễn ra với  các biển to “Khu phố văn hóa”, “Phường văn hóa” khắp mọi nẻo đường, bản quy ước văn hóa ở khắp cơ quan, ban ngành, đến tận khu phố, tổ dân phố... gây lãng phí và không thực chất, gây ra nhiều bất cập cần sớm khắc phục theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp 2013. 

Gia đình văn hóa
Gia đình văn hóa

Những bất cập nhức nhối kéo dài

Thực tiễn cuộc sống đã phơi bày ở khắp nơi bên trong biết bao gia đình là bạo lực đủ kiểu, tiền tài, danh vọng hão huyền lấn áp lý trí, bội bạc thay cho tình nghĩa, thủy chung. Đằng sau vô số biển “Khu phố văn hóa” là các tệ nạn đủ loại như ma túy, xì ke, rượu chè be bét, cướp của, giết người v.v... ngày càng phức tạp, trước mắt vô phương ngăn chặn, đẩy lùi.

Nguyên nhân chính là các phong trào vận động thực hiện chưa nắm chắc và vận dụng đúng đắn lời dạy của Bác Hồ trong sách “Đời sống mới” viết vào năm 1947, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Nội dung cốt lõi là cán bộ phải thể hiện “Cần, kiệm, liêm, chính” trong 7 vấn đề chăm lo cho dân: ăn, mặc, ở, học hành, sức khỏe, việc làm, đi lại của người dân. Thực hiện đời sống mới chính là xây dựng gia đình hạnh phúc, còn văn hóa là học chữ. Nghiêm trọng nhất là vấn nạn chạy theo bệnh thành tích, bệnh hình thức (mà Bác Hồ gọi là nói dối, là không trung thực), xem nhẹ vai trò làm chủ của người dân. Đừng để “nói dối” trở thành “thói quen” thì sẽ làm giảm niềm tin của người dân.

May thay, gần đây một tín hiệu đáng mừng là căn cứ tinh thần Nghị quyết TƯ 4 Đại hội XII, lần đầu tiên sau hơn 20 năm thực hiện với nhiều bất cập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn chỉ ra các phong trào, cuộc vận động (CVĐ) về đời sống văn hóa chồng chéo, việc công nhận các danh hiệu để khen thưởng một cách hình thức, tràn lan, trong khi các tệ nạn xã hội, mất trật tự, an ninh, mất an toàn giao thông không ngừng tăng cao. Biện pháp khắc phục phải là hợp nhất các phong trào, thu gọn và nâng chất tiêu chí, danh hiệu thi đua để đạt được những con người, gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên nền tảng văn hóa và theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013.

Nghị quyết TƯ 5 Đại hội VIII (năm 1998) có đoạn ghi: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Đời sống mới ở Khu dân cư” và Phong trào “Người tốt, việc tốt” theo khởi xướng của Bác Hồ nằm trong “Phong trào toàn dân xây dựng Đời sống văn hóa” của ngành văn hóa. Từ sai phạm này dẫn đến sai phạm khác. Hai  CVĐ có tên giống nhau nhưng lại có chức năng khác nhau.

CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thuộc ngành Văn hóa” có chức năng quản lý, trong khi CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thuộc Mặt trận có vai trò vận động. Ở quận, phường lại còn hình thành Ban Chỉ đạo “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban vận động “CVĐ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực chất là thuộc chính quyền, tạo sự chồng chéo, giẫm đạp lên chức năng của hai tổ chức khác nhau. Hai tổ chức còn rơi vào tình trạng sa lầy khi mà ngành văn hóa và Mặt trận cùng có trách nhiệm xây dựng “gia đình văn hóa”, trong khi những biển “Khu phố Văn hóa”, “Phường văn hóa” treo khắp mọi nơi lại ghi thuộc chính quyền. Người dân thì hoang mang, bất bình trước thực trạng xuống cấp về mặt văn hóa trong đời sống xã hội.

Cần phải khắc phục

Hiến pháp 2013  ra đời quy định rõ về việc phải xây dựng gia đình hạnh phúc. Tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng năm 2016 tiếp tục khẳng định việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong năm 2016, UBTƯ MTTQVN quyết định đổi tên CVĐ “Toàn dân đoàn kết  xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh” để phân biệt với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của ngành Văn hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế hai tổ chức vẫn tiếp tục cùng  xây dựng  “gia đình văn hóa”  bất chấp sự phản ứng gay gắt của người dân và báo chí. Tính từ những năm 1995 đến 2016 (tất cả 21 năm), hầu hết 63 tỉnh, thành đều công bố đạt 90 – 95% “gia đình văn hóa” ảo, đến nay bất chấp quy định của Hiến pháp 2013 hiến định việc xây dựng “gia đình hạnh phúc”, thực trạng phong “gia đình văn hóa” tràn lan thiếu thực chất vẫn tiếp diễn. Điều đáng băn khoăn là hai  thành phố đầu tàu cả nước là Hà Nội và TP HCM vẫn tiếp tục công bố đạt hàng triệu “gia đình văn hóa” rất thiếu thuyết phục.

Người dân đặt vấn đề: có gia đình nào họp ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu lấy 5 tiêu chí “gia đình văn hóa” đúng như Bộ VHTTDL đề ra để bàn bạc, đặt kế hoạch phấn đấu thực hiện phù hợp với từng lứa tuổi và cuối năm gia đình ngồi lại để bình xét xem có đạt 5 tiêu chí hay không?  Rõ ràng không hề có. Bởi vậy, nhiều nơi rất nhiều gia đình với lòng tự trọng từ chối nhận “danh hiệu “gia đình văn hóa” vô nghĩa. Có sự bất bình khi gia đình nào đó không đạt tiêu chí thì bị đánh giá là “vô văn hóa”.  Dư luận đặt vấn đề  tại sao không dùng “gia đình chưa hạnh phúc”  cho dễ nghe và văn minh hơn, phù hợp với Hiến pháp.

Hàng chục năm qua, các tầng lớp nhân dân, báo chí đều nói lên sự bất bình. Đến mức tại một cuộc hội thảo, Cục Văn hóa cơ sở thuộc  Bộ VHTTDL (đăng trên Báo Nhân dân ngày 29/12/2017) phải lên  tiếng  “Có những tỉnh, thành báo cáo số lượng gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa đạt tỷ lệ rất cao, hầu hết 80% trở lên, thậm chí có nơi đạt 100% “gia đình văn hóa”.

Những con số đó không thực tế, nên không tác động đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khi ở các nơi đó thường xảy ra tình trạng gia đình lục đục, tan vỡ, nạn bạo lực gia đình, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội gia tăng. Giá như cả một cộng đồng dân cư bình xét được 3 gia đình thật sự ưu tú, xuất sắc để tôn vinh, khen thưởng thì sẽ có giá trị hơn tất cả các hộ đều được công nhận gia đình văn hóa không thực chất”.

Vậy ai chịu trách nhiệm về việc thiếu thượng tôn pháp luật, về sự lãng phí một số tiền quá lớn. Sai phạm này tồn tại hàng chục năm qua cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt sự tự giám sát của các ban ngành, Mặt trận, các đoàn thể quá lỏng lẻo. Theo tinh thần Nghị Quyết TƯ 4 Đại hội XII “những ai làm sai văn bản pháp luật thì phải được xử lý kỷ luật nghiêm minh”.

Ngày 12/12/2017, Hội đồng Lý luận Trung ương cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội nghị cảnh báo rằng văn hóa ở nước ta đang xuống cấp trầm trọng. Nếu giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội không được đề cao đúng mức và không gắn kết chặt chẽ với lợi ích quốc gia và nhân dân thì đất nước không thể phát triển. Thời kháng chiến, Bác Hồ kêu gọi: “Văn hóa hóa kháng chiến” tức đặt lợi ích tổ quốc và nhân dân lên trên hết”. Toàn dân ta đáp lời kêu gọi của Bác Hồ. Do đó, nhân dân Việt Nam đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Kinh tế phải đi đôi với văn hóa. Văn hóa xuống cấp là nguy kịch.

Ngày 7/02/2018 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp có mặt các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN, các ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQVN, Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQVN, đại diện các ban ngành Trung ương. Chủ đề chính là lồng ghép các danh hiệu thi đua ở xã, phường, thị trấn và Khu dân cư.

Tại Hội nghị này, ông Trần Thanh Mẫn thống nhất cao với kiến nghị thành lập một Ban Chỉ đạo thực hiện của phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương  và khu dân cư. Đề nghị cần thống nhất các tiêu chí để khen thưởng theo hướng gọn danh hiệu, tránh tình trạng bình quân chủ nghĩa với 3 danh hiệu chính dành cho gia đình, xã, phường, thị trấn là “xã đạt chuẩn  Nông thôn mới”, “phường, thị trấn đạt chuẩn Đô thị văn minh”, “Gia đình tiêu biểu”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, hiện nay các phong trào, CVĐ xây dựng đời sống văn hóa không chỉ chồng chéo mà việc xét chọn, công nhận các danh hiệu cũng quá hình thức, dẫn đến tình trạng mặc dù có nhiều “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa” nhưng vẫn còn tệ nạn, trật tự an ninh chưa tốt, rác thải vẫn vứt bừa bãi...

Phó Thủ tướng đề nghị các tiêu chuẩn công nhận danh hiệu thi đua cần phải chi tiết, cụ thể. Hình thức, cách thức khen thưởng phải trang trọng, xứng đáng. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí  văn hóa vốn đang nặng nề về cơ sở vật chất để quan tâm nhiều hơn đến nền tảng văn hóa nhằm làm cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chan hòa tình người. Về việc sáp nhập thành một Ban chỉ đạo thống nhất, Phó Thủ tướng đề nghị cần thực hiện trên tinh thần Trung ương làm trước, rồi hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở. Trong cơ cấu Ban Chỉ đạo, MTTQ giữ vai trò tổ chức, chỉ đạo, vận động, cùng sự sát cánh của Chính quyền, địa phương và các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể.

Theo ông Nguyên Túc, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa – xã hội UBTƯ MTTQVN đã nhắc lại cách đây hơn 30 năm tại TP HCM ra đời CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng Đời sống mới ở Khu dân cư” theo khởi xướng của Bác Hồ mà trọng tâm là chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân. Bác Hồ khẳng định: “Làm đời sống mới chính là xây dựng gia đình hạnh phúc”. Mô hình từ một phường lan ra cả TP HCM, rồi sau đó lan ra cả nước. Từ khi đổi thành gia đình văn hóa không thực chất, phong trào ngày càng đi xuống...

Những điều khẳng định nói trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xác nhận hàng triệu “gia đình văn hóa ảo” không thể che giấu những tệ nạn đã làm cho biết bao gia đình đau khổ, tan nát, bế tắc. Phó Thủ tướng nói rất đúng khi nhấn mạnh người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chan hòa, tình người theo đúng Hiến pháp 2013 phải trên nền tảng văn hóa. Văn hóa ở đây là sự trong sáng, sự trung thực, là niềm tự hào của một dân tộc có hơn 4000 năm lịch sử. Không ai có quyền hạ thấp văn hóa. Bác Hồ là danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới. Khi dùng từ văn hóa phải hết sức thận trọng./.

Đọc thêm