Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương

(PLVN) - Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng về định hướng phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhấn mạnh: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc xác định những nội dung trên trong phương hướng xây dựng Nhà nước trong giai đoạn tới xuất phát từ nhận thức mới của Đảng đã được đặt ra và thể hiện trong Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là: “Giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị.

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu”. 

Từ quan điểm chỉ đạo đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương”. 

Đó cũng chính là xây dựng và hoàn thiện các điều kiện để bảo đảm việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, một yêu cầu sống còn của hệ thống chính trị nói chung và bộ máy nhà nước nói riêng trong thời kỳ mới.

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật ngày càng lớn, chất lượng ngày càng nâng cao, hoàn thiện. Hệ thống pháp luật đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Ðảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bám sát yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng các tiêu chí của hệ thống pháp luật về "tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch"; xử lý tốt những vấn đề phức tạp của thực tiễn.

Trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình trên thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp; đất nước đứng trước vận hội và cả những thách thức không nhỏ, đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Trước tình hình đó, Ðại hội Ðảng XIII đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là "Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc". 

Đọc thêm