Xây dựng Thành phố thông minh: Dân sẽ không còn phải gặp cán bộ

(PLO) - Từ năm 2014, Hà Nội đã có Đề án thành phố thông minh hơn, với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng chính quyền điện tử kết hợp với ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục… 
Hình minh họa
Hình minh họa

Thành phố cũng dự kiến huy động nguồn vốn khoảng 60.000 tỷ đồng trong gần 20 năm tới. Ngân sách thành phố đảm nhận khoảng 8.000 tỷ, còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa. Quy hoạch này đã được UBND thành phố trình trước HĐND thành phố.

Thành phố thông minh là gì?

“Thành phố thông minh” có thể hiểu ngắn gọn là các cơ quan công quyền ứng dụng CNTT trong cung cấp các dịch vụ công, cung cấp thông tin về các lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân trên mạng internet, để người dân tìm hiểu, đăng ký, sử dụng. Người dân, doanh nghiệp giao tiếp trực tiếp qua mạng với những người chịu trách nhiệm giải quyết công việc thuộc các cơ quan hành chính nhà nước mà không phải gặp mặt. Cách làm này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn bảo đảm minh bạch, “cắt” được vấn nạn tiêu cực, nhũng nhiễu. 

Ở góc độ giao tiếp với hạ tầng, xây dựng thành phố thông minh là nói đến việc thành phố sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công, có các giải pháp cho sử dụng, phát triển giao thông thông minh; năng lượng; sức khỏe; nước, vấn đề nông nghiệp và quản lý rác thải.

Các dịch vụ công được triển khai trên nền điện toán đám mây (icloud) có sự liên thông, hay nói cách khác là được tích hợp trên môi trường mạng, giúp người dân, doanh nghiệp đăng ký dễ dàng, thuận lợi. Trong giao thông thông minh, có thể liên kết phần mềm quản lý phương tiện với hệ thống bảo hiểm, đăng kiểm, giáo dục (trong làm thẻ xe buýt)… Tuy nhiên, để xây dựng giao thông thông minh còn cần điều kiện quan trọng là hạ tầng hiện đại. Tương tự, các ngành khác đều có thể ứng dụng CNTT để phát triển và hoạt động hiệu quả.

Ngồi cà phê làm thủ tục hành chính

Vậy Hà Nội đã chuẩn bị những gì cho một thành phố thông minh? Về hạ tầng, đến nay, Hà Nội đã kết nối mạng WAN đến 584 xã, phường, thị trấn. Thành phố cũng đã kết nối đường cáp quang tốc độ 1Gbps giữa các trung tâm dữ liệu, phường, xã, thị trấn; triển khai phần mềm dịch vụ công trực tuyến cho các phường; thí điểm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư và cung cấp dịch vụ công tại hai quận Long Biên, Nam Từ Liêm và nhiều quận, huyện khác đã tiến hành trong năm 2016. Cùng với đó, các sở, ngành cũng đã triển khai phần mềm, ứng dụng chuyên ngành phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố triển khai 43 dịch vụ công phục vụ người dân, trong đó ưu tiên làm trước các dịch vụ giải quyết vấn đề dân sinh, thiết thực với người dân. Còn theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu nâng cấp hệ thống điều khiển tín hiệu đèn giao thông, nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT vào giao thông để làm cơ sở hình thành hệ thống giao thông thông minh trước ngày 1/7/2017. 

“Hà Nội đang có cơ sở dữ liệu dân cư vốn được ngành công an xây dựng đã chuyển giao cho thành phố. Phần mềm quản lý này sẽ giúp Hà Nội có cơ sở và căn cứ để triển khai các ứng dụng trong lĩnh vực có tính liên thông như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông…”- ông Nguyễn Quốc Cường, Trưởng ban CNTT và Dịch vụ - Tập đoàn VNPT cho biết. 

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, mục tiêu của Hà Nội là trở thành địa phương đứng đầu về ứng dụng và phát triển CNTT. Theo dự thảo về quy hoạch CNTT tới năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, y tế tới giao thông, điện, nước...

Ngoài chính quyền điện tử, giao thông với vấn nạn ùn tắc là một lĩnh vực Hà Nội nên chọn để thử nghiệm ứng dụng CNTT trong thời gian tới bởi nó ảnh hưởng tới tất cả mọi người. “Đến năm 2030, Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh khi hoàn tất các mục tiêu của quy hoạch”- ông Động cho hay.

Đọc thêm