Xem tàu 67 đánh lưới rê dài 14 cây số

(PLO) - Trên con tàu Thành Công 01 hành trình từ cửa biển Sa Cần đến vùng biển ngoài, hướng Đông đảo Lý Sơn, tôi đã xuôi ngược cùng những ngư dân huyện Bình Xuyên, Quảng Ngãi thả chiếc lưới rê dài 14 cây số, thu hoạch những mẻ cá “khủng” mà từ trước tới nay chưa từng có ở tàu vỏ gỗ.
Tàu cá Thành Công 01 đang buông lưới rê hiện đại.
Tàu cá Thành Công 01 đang buông lưới rê hiện đại.

Khi triển khai đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giới thiệu loại lưới mới hiện đại - lưới rê để đánh luồng cá nổi. Tàu lưới rê rất dễ phân biệt, đó là trên boong tàu khoét một hầm lớn trước mũi với diện tích chiếm gần nửa sàn tàu. Toàn bộ giàn lưới rê được đặt trong khoang. Vì vậy, khi đóng tàu Thành Công 01, chủ tàu đã chọn hành nghề lưới rê.

Tàu vỏ thép công suất lớn, tải trọng lớn, chịu được sóng gió tốt hơn nên ngư dân chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép, sinh hoạt đi lại trên tàu thuận lợi hơn. Có điều, ngư dân đi biển vẫn giữ “lệ” như thời tàu gỗ.

Trước khi xuất bến, thuyền trưởng và anh em trên tàu đều xếp đủ giấy, hương, hoa quả ra trước mũi tàu để cúng thủy thần. Trong chuyến biển trước, tàu Thành Công 01 đã bắt được một con cá nặng chừng 600kg, có hình thù khá kỳ lạ, ngư dân gọi là cá Bà Bằng, thường cứu độ người bị nạn. Theo tín ngưỡng, các ngư dân phải mất cả tuần lễ ở nhà cùng vạn chài chôn cất cá theo phong tục rồi mới ra khơi.

Thuyền trưởng tàu Thành Công 01 Ngô Thanh Phong mở đầu chuyến hải trình bằng câu chuyện khá thú vị. Anh cho biết, trên biển có cá câu là loại cá rất lớn chạy nhanh hơn tốc độ tàu bao lưới vây, nên thường thoát khỏi vòng lưới, ngư dân đi câu, chỉ đánh lưới rê mới bắt được loại cá to này. Mùa đông năm ngoái, lưới rê của tàu đã vây được mẻ cá câu. Vậy là mấy người xúm lại mới kéo được từng con cá nặng 40kg. Mùa này cá câu ít hơn.

Khi ráng chiều buông xuống, mặt biển tím sẫm, giàn lưới hiện đại của tàu được bung xuống vùng biển ngoài, hướng Đông đảo Lý Sơn. Tất cả các loại lưới đều được đánh ngang mạn tàu vì ngư dân rất sợ lưới quấn vào chân vịt gây tai họa. Nhưng lưới rê là loại lưới đầu tiên mà ngư dân đánh theo kiểu cho trượt dài dọc thân tàu và đổ ra phía sau đuôi tàu gần chân vịt. Khi tàu buông lưới, ngư dân chỉ việc ném từng hộp phao và thỉnh thoảng thả một cột cờ xuống biển để báo hiệu cho tàu khác tránh.

Sau khi tàu lưới rê buông lưới, vệt lưới nằm thẳng tắp sau đuôi tàu dài đến 14km. Lưới được gắn theo nhiều phao nổi và các phao tiêu là cọc gắn lá cờ Tổ quốc. Trong ánh hoàng hôn tím sẫm, cảnh tàu đánh lưới rê nổi bật giữa trời nước mênh mông như bức tranh đẹp mà máy ảnh không thể thu vào ống kính hết được. Thuyền trưởng Phong cho biết: “Mùa đông năm trước, anh em tôi cho tàu ra vùng biển Hoàng Sa đánh lưới, thả cờ trôi trên biển. Lúc đánh lưới ở vùng biển này, nhìn cột cờ trôi, lòng mình tự hào vì đi cắm cờ giữ biển đảo của quê hương mình”.

Vì giàn lưới rê dài tới 14km nên phải mất đến 2 giờ mới buông xong lưới. Khi màn đêm buông xuống, gió biển thổi mạnh, mâm cơm mới được bê lên đặt trên sàn tàu. Ngồi ăn cơm trong ca bin, các ngư dân vẫn có thể quan sát được những con tàu vận tải ngược xuôi hành trình. Tàu Thành Công 01 được lắp đặt máy định dạng quét sóng và báo tín hiệu để tránh đâm va. Vì vậy, hành trình của những con tàu vận tải luôn xuất hiện đầy đủ tên gọi, quốc tịch, thông số, khoảng cách và hướng đi trên màn hình máy định dạng. Nếu ngư dân trên tàu ngủ quên, thì tàu đã có mắt thần cảnh báo.

Ngư dân Lê Ngọc Quý liên tục rít hơi thuốc khi đồng hồ điểm 4 giờ sáng. Anh Quý từng là ngư dân câu mực Trường Sa 7 năm. Trong chuyến biển cuối năm 2016, con tàu của ba cha con anh Quý bị sóng đánh tấp vào gò san hô ở đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa vỡ tan nên gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Giờ sang đi bạn trên tàu lưới rê, anh cho biết sẽ học thêm nghề lưới rê để sang năm vay tiền đóng tàu.

Đi tàu lưới rê không phải dùng lực để kéo lưới, vì đã có con lăn thủy lực rút lưới lên tàu và ngư dân chỉ việc xếp lưới ngay ngắn vào khoang để không bị rối chồng. Để kéo hết giàn lưới dài 14km, ngư dân phải mất 4 tiếng đồng hồ, nếu vào mùa đông là 6 –-7 tiếng.

Sau gần 2 tiếng kéo lưới, trên tàu mới có tiếng reo lên: “Có cá, dừng rút lưới”. Từ dưới mặt biển, những con cá cờ dài lên đến 2 mét, mỗi con nặng trên 40 – 50kg nhô lên khỏi mặt biển và rơi “oạch” xuống sàn tàu. Từ lúc có tiếng cá nhảy, nụ cười mới bắt đầu nở trên môi các ngư dân. Ngư dân Nguyễn Minh Sơn nhìn ra những chiếc tàu đánh lưới giã cào gần đó và cho biết: “Làm biển như vầy mới giữ được môi trường, cá không cạn kiệt. Còn vơ vét hết cá mẹ, cá con như đánh lưới giã cào thì đáy biển còn nát, huống chi là cá”.

Đọc thêm