'Xin khéo' và 'tranh thủ'

(PLO) - Phát biểu với Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác bổ nhiệm cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho hay: “Tôi không dám nói Bộ Nội vụ nhưng thực tế trước đây xin biên chế không phải do Bộ trưởng quyết. Tỉnh nào xin khéo là được nhiều biên chế”.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

“Xin khéo” quả là một từ đắc dụng không chỉ ở mặt ngữ nghĩa mà còn thể hiện trạng thái ứng xử trong quan hệ hành chính ở nước ta. Lĩnh vực biên chế cán bộ công chức ngặt nghèo là thế còn “xin khéo” được huống chi là ở các việc khác.

Điều này có thể lý giải vì sao xe công mua sắm phi mã, vượt tiêu chuẩn, vì sao các địa phương cứ cắp cặp lên Trung ương xin ngân sách, vì sao có địa phương được giữ lại thuế không phải đóng, thậm chí, vì sao có cán bộ vi phạm đạo đức, lối sống và cả pháp luật nữa mà vẫn ngang nhiên tại vị, xưng hùng, xưng bá!

Điều này cũng lý giải vì sao tại diễn đàn Quốc hội, người ta phải kêu lên là đến xin gặp chuyên viên còn khó hơn gặp Bộ trưởng, chuyên viên của Văn phòng Chính phủ quyền thế lắm!

Tương tự như “xin khéo” nhưng chính danh hơn nhiều là “tranh thủ”. Người nào, địa phương nào biết “tranh thủ sự quan tâm của cấp trên” thì người đó, địa phương đó hưởng phần lợi hơn, người lãnh đạo được coi là “khôn khéo, sáng suốt” khi biết “tranh thủ”.

“Tranh thủ” không những trở thành một phương châm đối xử với cấp trên, với doanh nghiệp (tranh thủ sự giúp đỡ của doanh nghiệp) mà còn là một biện pháp quản lý xã hội như tranh thủ sự ủng hộ của bà con nhân dân, tranh thủ sự đồng tình của đối tác. Lật giở các bản báo cáo tại hội nghị xem thể nào cũng bắt gặp vài ba từ “tranh thủ” khi đề cập phương pháp quản lý của mình, coi đó là một cách ứng xử tuyệt vời. Áp dụng phương châm xử thế này mà nhiều dự án được duyệt, kinh phí được cấp, tài nguyên được khai thác,... 

“Xin khéo” và “tranh thủ” mang lại lợi ích cho mình và địa phương nhưng hệ lụy của nó đối với công tác quản lý là rất lớn.

Người ta “xin khéo” được thì cũng “chửi khéo” được. Vì thế những đoàn kiểm tra về biên chế, bổ nhiệm chẳng phát hiện được mấy sai sót mà chỉ thấy “đúng quy trình, đúng quy định” mà thôi. Đơn giản là “há miệng, mắc quai”, đã từng bị “xin khéo” và đã từng ưu ái người ta.

“Tranh thủ” đơn giản là thủ tiêu đấu tranh, cứ “tranh thủ” lẫn nhau rồi ra tình trạng cấp trên không dám xử lý cấp dưới, cấp dưới chẳng tội gì phê bình cấp trên khi có những việc sai trái. Người được tranh thủ cũng như người tranh thủ chỉ còn biết động viên, khen ngợi lẫn nhau mà thôi. Cấp trên đến “thăm và làm việc”, cấp dưới “nhiệt liệt chào mừng” – một quan hệ hành chính đầy tình thân thiết, trọng thị như vậy liệu có hình thành nên một nền hành chính cần đến sự nghiêm túc, nghiêm khắc và hiệu quả hay không? Trên nghiêm thì dưới kính, đó là phương châm xử thế của đạo lý truyền thống đấy!

Đọc thêm