Xóa trường chuẩn Quốc gia, hàng trăm học sinh thất học

(PLO) - Trên vùng đất hiếu học Hương Khê, Hà Tĩnh, gần 600 trẻ em ở xã Hương Bình hoặc học hành bập bõm, hoặc nghỉ ở nhà suốt từ đầu năm học mới đến giờ. Câu chuyện lạ kỳ này bắt nguồn từ chủ trương dồn trường của huyện...
Nhiều người dân tụ tập trước cổng Trường THCS Hương Bình yêu cầu duy trì trường này
Nhiều người dân tụ tập trước cổng Trường THCS Hương Bình yêu cầu duy trì trường này
13% dân số toàn xã đang... thất học
Năm học mới ở Hương Bình bắt đầu từ ngày 18/8 nhưng đã ba tháng nay, em Trần Thị Hương Giang (học sinh lớp 8 Trường THCS Hương Bình) vẫn nghỉ ở nhà. 
Trước đây, khi còn học tại Trường THCS Hương Bình, quãng đường từ nhà đến trường chỉ có 2km, trong khi nếu đi học ở trường mới - Trường THCS Phúc Đồng, em phải đi quãng đường hơn 10 km, qua đường mòn Hồ Chí Minh có nhiều ôtô chạy với tốc độ cao, khiến em vừa không đủ sức đi lại, vừa nơm nớp nỗi lo mất an toàn.
Cũng như Giang, 178 học sinh khác của Trường THCS Hương Bình phải nghỉ ở nhà do việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình với trường xã bên cạnh. Học sinh xã Hương Bình có thể lựa chọn một trong hai trường là THCS Hòa Hải và THCS Phúc Đồng để đi học cho năm học 2014-2015, và chỉ có 68/247 em học sinh THCS ở xã Hương Bình đi học trong năm học mới này.
Mặc dù trường mầm non và tiểu học của xã Hương Bình vẫn hoạt động bình thường nhưng số lượng học sinh đi học cũng vô cùng ít ỏi, chỉ có 77/470 học sinh của cả hai cấp này đến trường, chủ yếu là con của cán bộ hoặc giáo viên trong trường. Em Nguyễn Thị Thanh Lam (lớp 5A) kể, em và nhiều bạn nghe người lớn bảo nếu đi học thì mấy năm nữa cũng không có trường cấp hai, nên nghỉ luôn từ bây giờ…
Vậy là có 573 trong tổng số 717 học sinh của Hương Bình, chiếm gần 80%, không đến trường, tương đương với 13% dân số toàn xã đang thất học!
Đưa học sinh từ trường chuẩn xuống trường vùng lũ
Việc 80% học sinh ba cấp mầm non, tiểu học, THCS Hương Bình nghỉ học bắt nguồn từ việc phụ huynh học sinh mong muốn giữ lại Trường THCS Hương Bình sau khi có quyết định trường này được sáp nhập về hai địa điểm mới là Trường THCS Hòa Hải và THCS Phúc Đồng. 
Lý do các bậc phụ huynh đưa ra là Trường THCS Hương Bình vốn là một ngôi trường có từ lâu đời, vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2016. Địa điểm Trường THCS Hương Bình không bao giờ lụt lội, trong khi đó lại đưa học sinh xuống “rốn” lụt là xã Hòa Hải (thuộc xã 135) - nơi mỗi năm chỉ cần mưa to đã ngập, không cần kể đến các trận bão lũ lớn, đường đi lại khó khăn, học sinh phải nghỉ học. Điểm Trường THCS Phúc Đồng nằm ngay trên đường Hồ Chí Minh, nguy cơ tai nạn giao thông rình rập. 
Điều đáng nói là Trường THCS Hương Bình mới được đầu tư xây dựng năm 2006 nhiều hạng mục bằng vốn ODA do Quỹ Phát triển quốc tế OPEC (OFID) hỗ trợ với đầy đủ trang thiết bị dạy học, có phòng máy tính hiện đại và được đưa vào sử dụng từ năm 2008. 
Ngoài bàn ghế, bảng phấn đầy đủ, trường còn xây dựng phòng hóa học, thực hành sinh học, thêm vào đó còn được trang bị nhiều thiết bị máy tính còn mới. Trong khi đó, huyện Hương Khê quyết định thôi giữ Trường THCS Hương Bình để sáp nhập với hai xã bên cạnh có cơ sở vật chất kém hơn. 
“Trường THCS Hương Bình có từ năm 1922, là ngôi trường giàu truyền thống lịch sử. Trước đây, con em bốn xã Hòa Hải, Hương Đồng, Hương Long, Hương Phú đều về đây học tập và trưởng thành. Chỗ này là nơi nuôi giấu cán bộ, cũng là trường ba đảm đang, có một không hai của huyện. Bây giờ nói bỏ đi là bỏ răng nơi đành lòng được - ông Lê Đức Bình,  Cựu Hội trưởng Hội Phụ huynh Trường THCS Hương Bình tâm sự - Chủ trương sáp nhập các trường là chủ trương đúng nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, tôi hoàn toàn ủng hộ. 
Tuy nhiên, việc thực hiện sáp nhập Trường THCS Hương Bình về hai địa điểm mới chưa thực hợp lý, khách quan và chưa tạo thuận lợi cho học sinh đi học. Vì vậy, nguyện vọng chính đáng của chúng tôi là được giữ lại Trường THCS Hương Bình để các cháu có thể đến trường”.
Trường Tiểu học Hương Bình chỉ có vài cháu đến lớp
Trường Tiểu học Hương Bình chỉ có vài cháu đến lớp
Người lớn giằng co, trẻ em chịu thiệt
Thực hiện Nghị quyết số 43/2011/NQ-HĐND ngày 7/1/2011 của HĐND huyện Hương Khê về việc Quy hoạch hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2010-2020, đến nay huyện Hương Khê đã sáp nhập 30 trường, trong đó có 10 trường THCS. Trường THCS Hương Bình là trường cuối cùng trong lộ trình sáp nhập. Số lượng học sinh THCS Hương Bình chỉ có 247 em, với quy mô tám lớp, không đạt tiêu chuẩn của trường THCS quy mô 16 lớp trở lên như quy định của tỉnh. 
Trước phản ánh của người dân Hương Bình cho rằng chính quyền và ngành giáo dục đã không bàn bạc, thảo luận, thăm dò ý kiến, nguyện vọng của người dân khi sáp nhập, ông Đặng Quốc Bảo - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Hương Bình - cho biết, Ban chỉ đạo huyện có Kế hoạch số 02 để triển khai việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình, trong đó quy trình thực hiện chỉ họp Hội đồng nhân dân và Ban Chấp hành Đảng bộ xã để ra nghị quyết, còn việc lấy ý kiến người dân không có trong kế hoạch này của huyện. 
Để tìm hiểu thêm về quá trình thực hiện đề án, phóng viên đã trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh Trần Trung Dũng. Theo ông Dũng, trong câu chuyện ở xã Hương Bình, trách nhiệm thuộc về chính quyền các cấp, đặc biệt từ cơ sở: “Vấn đề là ở cách thực hiện. Khó khăn thì đâu cũng có, nhưng mình giải quyết không thấu đáo. Nếu xã làm cụ thể hơn thì câu chuyện đã khác. Hoặc chưa để dân nói, hoặc chưa nghe dân nói, nói mà không nghe?”.  
Ông Dũng cũng cho biết thêm:  “Thực tế quá trình thực hiện từ 2012 đến nay, nếu địa phương có đề xuất điều chỉnh, tỉnh thấy hợp lý thì vẫn sẽ điều chỉnh. Ví dụ như huyện Hương Sơn từng sáp nhập Trường THCS Sơn Lĩnh và Sơn Hồng, nhưng sau đó thấy không hợp lý, Sở có gợi ý, huyện mới đề xuất phương án Sơn Lĩnh và Sơn Hồng thay vì có ba trường thì nhập thành hai trường, mỗi trường hai cấp theo mô hình trường liên cấp. Tuy nhiên, với Trường THCS Hương Bình thì huyện Hương Khê không đặt ra phương án này, vì Hương Bình chưa phải là điểm quá khó khăn” (?!).
Trong khi đó, Phó Bí thư Đảng bộ xã Đặng Quốc Bảo cho biết, sau khi triển khai Kế hoạch 02 và cảm thấy tình hình thực tế có nhiều khó khăn, xã đã có buổi làm việc với Thường trực huyện tại Hương Bình và đề nghị xem xét lại việc sáp nhập trường ở Hương Bình. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục huyện đã xem xét và UBND huyện quyết định tiếp tục thực hiện như đề án. 
“Trường THCS Hương Bình là một trong những trường có thành tích dạy và học thuộc tốp đầu của huyện. Về tình cảm quê hương thì lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện cũng không muốn sáp nhập Trường Hương Bình, nhưng vì lượng học sinh quá ít, ảnh hưởng đến quy mô trường lớp”, ông Bảo nói. 
Trăn trở ở Hương Bình
Đã qua một phần tư năm học, đã là quá muộn để các em có thể bắt đầu một năm học mới. Tuy nhiên, ngoài việc kiên trì vận động, thuyết phục người dân tuân thủ chủ trương của Nhà nước, các cấp chính quyền Hà Tĩnh vẫn chưa có một giải pháp ráo riết nào để đưa những đứa trẻ trở lại trường. 
“Bí thư Tỉnh ủy, các ban của Tỉnh ủy cùng huyện và xã đã đến trực tiếp, đối thoại, thuyết phục nhân dân mỗi gia đình ít nhất sáu lần. Tuy nhiên, sự chuyển biến vẫn chưa nhiều. Hiện, chúng tôi vẫn tiếp tục thuyết phục bà con - ông Hoàng Công Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết - Quan điểm của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy nếu chủ trương này đúng rồi thì người dân phải có trách nhiệm chấp hành. Quan điểm của chúng tôi là kiên trì tuyên truyền”. 
Rất nhiều tỉnh miền núi hiện nay vẫn có các điểm trường để học sinh đi học thuận lợi hơn. Nhưng không hiểu sao các cấp chính quyền Hà Tĩnh lại không hề đặt ra phương án để Trường THCS Hương Bình như một điểm trường, một phân hiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được học gần nhà. 
Theo điểm c khoản 1 điều 12 quy định về các yêu cầu khi sáp nhập, chia, tách trường trung học tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc sáp nhập phải “bảo đảm an toàn và quyền lợi của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục”.
Rõ ràng, riêng đối với Hương Bình, chủ trương sáp nhập trường của Hà Tĩnh chưa xem xét đến yêu cầu này, chưa quan tâm đến quyền lợi của học sinh cũng như việc bảo đảm an toàn cho những đứa trẻ khi đến trường. Trên hết, việc đưa gần 600 trẻ em quay trở lại trường học giờ đây là một nhiệm vụ cấp thiết, thay vì những giằng co đúng, sai của người lớn. 
Nhất quyết đưa học sinh trở lại trường
Sau buổi họp sáng 25/11 tại Văn phòng Chính phủ  về sự việc  này do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, cùng dự có Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và  lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo huyện Hương Khê, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho báo chí biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT là sắp xếp lại các trường học để nâng cao chất lượng dạy học nhưng phải đảm bảo quyền lợi của trẻ em; các cháu phải được đi học đầy đủ trước khi nói đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là ở miền núi.
Theo ông Hiển, giải quyết vụ việc ở Hương Bình thuộc trách nhiệm của chính quyền, gia đình và nhà trường tỉnh Hà Tĩnh, nhưng Bộ GD&ĐT cũng đã xem xét lại các quy định, quy trình hướng dẫn sáp nhập trường học và về tổng thể các văn bản quản lý nhà nước không có vấn đề gì lớn. Trên thực tế, các địa phương khi thực hiện chủ trương chỉ có một số nơi có vướng mắc nhưng đã được tháo gỡ kịp thời theo tinh thần trước hết phải đảm bảo quyền được đi học của trẻ em. 
Tại cuộc họp này, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng cam kết sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo các cháu học sinh được đến trường và tỉnh đã chuẩn bị các phương án để các cháu học bù, đảm bảo chương trình năm học.

Đọc thêm