Xúc động cầu truyền hình 'Bài ca kết đoàn' kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác tại Huế

(PLVN) - Tối 1/9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện cầu truyền hình trực tiếp "Bài ca kết đoàn". Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, chương trình được tổ chức trước cổng trường chuyên Quốc học Huế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương dâng hoa tại tượng đài Nguyễn Tất Thành trong khuôn viên trường Quốc Học Huế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương dâng hoa tại tượng đài Nguyễn Tất Thành trong khuôn viên trường Quốc Học Huế

Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương.

Với thời lượng 140 phút, chương trình được thực hiện tại 4 điểm cầu Hà Nội, Nghệ An, Huế và TP HCM. Trong cầu truyền hình, khán giả có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những giá trị vẹn nguyên của bản Di chúc của Người sau 50 năm.

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, cầu truyền hình diễn ra trang trọng với Lễ dâng hoa ở tượng đài Nguyễn Tất Thành trong khuôn viên trường chuyên Quốc học Huế của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và lãnh đạo tỉnh.

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật lấy bối cảnh là ngôi trường Quốc Học Huế - nơi ghi dấu ấn đậm nét, kỷ niệm thủa thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác sinh sống và học tập. Đặc biệt, ngôi trường này là nơi ươm mầm tài năng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và giác ngộ trở thành thanh niên trí thức yêu nước.

Trường Quốc học Huế là nơi Nguyễn Tất Thành học tập trong những năm 1907-1908. Chính tại ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên biết đến khẩu hiệu: “Liberté - Egalité – Fraternité” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái) treo trên lớp học. Cũng tại nơi đây, Người đã biết được quan điểm “Nước mất mà không biết là bất trí, biết mà không chiến đấu cứu nước là bất trung, chiến đấu mà không quên mình vì nước là bất dũng” của thầy giáo Lê Văn Miến.

Chính nhân cách, tài năng, tâm huyết của thầy giáo Lê Văn Miến đã ảnh hưởng không nhỏ đến người học trò Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành nhận ra những hạn chế trong con đường cứu nước và phương pháp cách mạng của các bậc cha chú, để lựa chọn một con đường đi của riêng mình: hướng sang phương Tây “tìm xem những gì ẩn náu” đằng sau các chữ: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.

Chương trình văn nghệ tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Chương trình văn nghệ tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Ngày 9/4/1908, nông dân các huyện ngoại thành kéo về Huế biểu tình đòi chính quyền giảm sưu cao thuế nặng, họ bao vây tòa Khâm Sứ trung kỳ đưa đơn đòi yêu sách. Pháp cho lính bắn vào đoàn biểu tình, cuộc biểu tình vô cùng quyết liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy là học sinh trường Quốc Học, đã cùng bạn bè tham gia vào đoàn biểu tình. Trước tiền sảnh toà Khâm Sứ, với tư cách phiên dịch cho đồng bào, Bác sớm thể hiện ý chí đấu tranh của người thanh niên yêu nước. Nguyễn Sinh Cung đã bắt đầu sự nghiệp cách mạng với phong trào chống thuế của nhân dân Thừa Thiên.

Các tiết mục biểu diễn “Dấu chân phía trước”, hợp xướng Đất nước trọn niềm vui do đoàn nghệ sĩ, diễn viên Huế thực hiện, liên khúc “Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại... kể về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những giá trị trường tồn của bản Di chúc mà Bác viết.

Đây là một chương trình giao lưu - văn hóa - nghệ thuật nhằm nhìn lại chặng đường 50 năm qua thực hiện 5 di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; xây dựng đội ngũ Đảng viên trong sạch, vững mạnh; bồi dưỡng thế hệ trẻ cách mạng; củng cố khối đại đoàn kết quốc tế.

Đọc thêm