Xúc động chuyện đời người khai mở tuyến đường biển Hồ Chí Minh huyền thoại

(PLO) -  Với ông Ba, kí ức về một thời kiên trung sẽ chẳng thể phai mờ trong tâm trí. Nhưng để “chân cứng đá mềm” trước mọi ngón đòn tra tấn của kẻ thù và sống đến ngày hôm nay, không mấy ai hiểu, ông còn nhờ có một “hậu phương” vững chãi…
Hạnh phúc hôm nay của vợ chồng ông Huỳnh Ba.
Hạnh phúc hôm nay của vợ chồng ông Huỳnh Ba.

Nhắc đến tên tuổi ông Huỳnh Ba, người thủy thủ cuối cùng trên chuyến tàu không số đầu tiên khai mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, cả Đà Nẵng có lẽ ai cũng biết. Còn với ông Ba, kí ức về một thời kiên trung sẽ chẳng thể phai mờ trong tâm trí. Nhưng để “chân cứng đá mềm” trước mọi ngón đòn tra tấn của kẻ thù và sống đến ngày hôm nay, không mấy ai hiểu, ông còn nhờ có một “hậu phương” vững chãi…

Ký ức vẫn hiện hữu!

Thôn Nam Ô 3 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) trong những ngày tháng 4 lịch sử, nắng ươm vàng hơn; biển cũng trở nên mặn nồng vị muối. Cả xứ sở nước mắm nức tiếng này, hỏi nhà ông Huỳnh Ba, ai cũng vui vẻ dẫn đường đến tận nhà… 

Đã ở cái tuổi “thấp thập cổ lai hi” nhưng ông Ba (90 tuổi) vẫn còn khá minh mẫn. Với ông, kí ức về chuyến tàu không số đầu tiên cùng đồng đội nhận nhiệm vụ vượt biển chở 5 tấn vũ khí từ sông Gianh (Quảng Bình) vào bãi Chuối (Thừa Thiên Huế) năm 1994 như vừa xảy ra hôm qua. Trong ngôi nhà tình nghĩa mới được Bộ Tư lệnh Hải quân và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh xây, trao tặng, cựu tù yêu nước Huỳnh Ba chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng vượt biển cả, khai mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại đầy gian nan vất vả, nhưng rất tự hào. 

Quê ông Ba ở vùng biển bãi ngang xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Năm 20 mươi tuổi, chàng thanh niên Huỳnh Ba (lúc này có tên khai sinh Nguyễn Nửa) gia nhập đơn vị vận tải của Đoàn vận tải Ủy ban kháng chiến Nam Trung bộ. Năm 1946, ông được chuyển qua công tác tại đơn vị T08. Đến năm 1950, bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Đà Nẵng và nhà lao Thừa Thiên Huế . Sau thời gian dùng đủ ngón đòn tra khảo, không khai thác được gì, địch đành thả ông. 

Cuối năm 1959, khi đang làm giao liên ở tuyến Đà Nẵng- Nha Trang- Buôn Mê Thuột, ông được Ban Thống nhất trung ương điều ra Bắc nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chi viện cho quân khu V. Chuyến tàu xuất phát tại bến sông Gianh, chở 5 tấn vũ khí, được trang bị các ngư cụ như tàu đánh cá. Trên tàu, ngoài ông ra còn có 5 đồng chí khác.

 “Đêm 30 Tết Canh Tý (năm 1960), nhân có đợt gió mùa đông bắc tràn về, là cơ hội tốt để tàu ra khơi. Cấp trên hạ lệnh cho chúng tôi nhổ neo, rời bến vào đúng đêm giao thừa. Đêm đầu tiên, tàu rẽ hướng ra hải phận quốc tế với ý định sẽ vòng vào chân đèo Hải Vân cập bến Bãi Chuối (Thừa Thiên Huế). Thế nhưng, ngày hôm sau do gặp sóng to gió lớn, tàu bị gãy tay lái, không điều khiển được nên bị trôi về phía Nam. Đến ngày thứ 3, tàu trôi vào đảo Lý Sơn. Mọi người trên tàu định lên đảo Lý Sơn thì phát hiện có tàu địch đi tuần. Trung úy Nguyễn Bắc, thuyền trưởng quyết định thả tất cả vũ khí trên tàu xuống biển và thống nhất nếu bị giặc bắt, phải khai tàu đánh cá, bị hư nên trôi dạt vào đây. Chiều mùng 4 Tết, cả 6 đồng chí trên tàu bị giặc bắt”, ông Ba nhớ lại.  

Ông Ba kể tiếp, sau khi dùng đủ mọi hình thức tra tấn dã man, vẫn không moi được tin gì, chúng bắt đầu đày anh em đi hết nhà lao này sang nhà lao khác. Từ Lý Sơn, Huế, Đà Nẵng đến nhà lao Gia Định, khám Chí Hòa, Phú Lợi… cuối cùng chúng đày ra Côn Đảo… Những ngày đó chúng chỉ cho anh em ông mặc độc chiếc quần đùi, nằm co ro trong những chiếc chuồng cọp, bị còng xích chân. Nhưng anh em trước khi bị bắt đã một lòng không khai. Suốt 14 năm ròng rã, tra tấn, đày đọa bọn địch vẫn không thắng được ý chí kiên trung của anh em. Đến năm 1974, chúng đành thả hết mọi người ra…

May mắn với “hậu phương” thủy chung

Trong khi Huỳnh Ba cùng đồng đội bị địch bắt giam, đày đi hết nơi này đến nơi khác, ở vùng biển dưới chân đèo Hải Vân quan, bà Nguyễn Thị Nghĩa (nay 80 tuổi), vợ ông cũng đã phải vượt qua mọi lời dụ dỗ rồi đến hăm dọa của kẻ thù. Biền biệt 14 năm trời không một dòng tin, bà vẫn một lòng trung trinh dù ngày rời xứ biển này ra Bắc nhận nhiệm vụ, bà với ông không hề nói một lời thề hẹn.

“Ngày ông ấy đi đứa con thứ 2 vừa được 25 ngày tuổi, đứa đầu vừa chập chững gọi chưa rõ tên cha. Nhiều lần bọn giặc tìm đến tra hỏi “chồng mày đi đâu?”, tui trả lời “ông ấy đi đâu muốn biết, cứ đi tìm. Tui không tìm được vì bận làm ăn nuôi con”. Lúc đầu tụi hắn còn dụ dỗ ngon ngọt, sau đó quay sang hăm dọa bắt đi tù. Tui nói, nếu bắt tui đi tù, cứ bắn hai đứa con tui trước rồi bắn tui cũng được. Chớ tui không biết chồng ở mô”, bà Nghĩa kể lại.

Không dò hỏi được tung tích ông Ba, chúng quay sang tung tin với bà Nghĩa rằng chồng bà đã chiêu hồi trở về với giặc hiện đang ở Huế. Rồi chúng khuyên bà đi thăm chồng. Đoán biết được ý đồ bọn chúng, bà nhất quyết không nghe. Hàng ngày, bà lặng lẽ với gánh rau xanh, mớ cá tươi và vài chai nước mắm rong ruổi khắp nơi, vừa bán kiếm tiền nuôi con vừa làm cơ sở nuôi giấu cách mạng.

“Xa nhau mười mấy năm trời bà có nghĩ rằng ông đã chiêu hồi hoặc hi sinh?”, nhiều người hỏi. Bà Nghĩa ngước mắt nhìn chồng: “Tính ông ấy tui biết, dù gian khổ thế nào vẫn không đầu hàng đâu. Biền biệt không bắt được tin tức gì, nhiều đêm tui cũng nghĩ đến chuyện ông ấy hi sinh nhưng không hiểu vì sao mỗi lúc như thế bên tai tui nghe rõ mồn một lời ông ấy nói sẽ về”. 

Năm 1974, ông trở về và đây là kỷ niệm không bao giờ quên. Trên chuyến xe đò từ Quảng Nam ra Đà Nẵng, có hai cha con cùng đi nhưng không nhận ra nhau. “Con gái của tui đi buôn chuyến ngồi đầu băng ghế còn tui ngồi cuối. Khi xe đỗ trả khách, tui với nó cùng về chung một con đường, nó gánh hàng hóa đi trước còn tui mệt nhọc ôm tay nải theo sau. Về đến tận đầu ngõ, bà Phước (một cơ sở cách mạng từng nuôi giấu tui) la lên: Hòa, răng mi không gánh giùm, để ba mi ôm đồ nặng rứa?”. Lúc đó hai cha con nhìn nhau ngỡ ngàng, mừng tủi. Đôi chân bước về phía con mà cứ khụy xuống.

Quay sang nhìn bà Nghĩa, ông Ba kể, 6 anh em trên chuyến tàu không số ngày đó, 5 đồng đội của ông nay đã thành người thiên cổ hết. Ông may mắn hơn bởi còn trở về, có vợ con chờ đón và sống đến nay. 

Đọc thêm