Xúc động lễ trao quân hàm cho vị Đại tướng đầu tiên

(PLO) -Khi sự kiện trọng đại được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên nước ngoài phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại ý: Vì sao cùng một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy và việc phong cấp dựa trên tiêu chuẩn nào?. Hồ Chủ tịch đã trở lời giản dị: "Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)
Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trải qua giai đoạn chính quyền Việt Minh gặp phải vô vàn khó khăn khi kẹp giữa nhiều thế lực ngoại bang, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng, đặt trọng trách Tổng Tư lệnh quân đội lên vai đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau chiến thắng mang ý nghĩa lớn lao của chiến dịch Việt Bắc năm 1947, quân đội Việt Nam ngày càng tinh nhuệ. Giữa "Thủ đô gió ngàn", Bác Hồ quyết định ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho vị Tổng Tư lệnh của mình.
Quân đội Việt Nam ngày càng tinh nhuệ
Không hề đánh giá thấp Việt Minh, trong một cuộc họp với các tướng lĩnh, tướng Valuy, Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, đã nói đại ý: Việt Nam ngày nay không còn là những cộng đồng riêng rẽ như trong quá khứ để có thể đánh chiếm bằng chiến lược bình định cổ truyền.
Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, họ đã trở thành một cấu trúc hình tháp, được lãnh đạo chặt chẽ từ bên trên. Muốn tái chiếm, chúng ta phải tách được cái đỉnh ra khỏi đáy của hình tháp vững chắc đó. Dựa trên nhận định này, Valuy đã cùng với tướng Salan, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, vạch ra cuộc tiến công đại quy mô vào Việt Bắc, nhằm tiêu diệt quân đội và các cơ quan đầu não của Việt Minh.
Nhiều nhà quan sát thời đó cho rằng, hai viên tướng cáo già nhất của quân đội Pháp ở Đông Dương đã nhận định không sai. Tuy nhiên, họ đã không đánh giá đúng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ; không nhìn thấy sức mạnh của quân đội Việt Nam đang ngày càng tăng lên dưới sự chỉ huy tài tình của một bộ óc chiến lược: Võ Nguyên Giáp.
Ngày 7/10/1947, cuộc tiến công đại quy mô của Pháp diễn ra bắt đầu bằng cuộc nhảy dù xuống Bắc Kạn. Tiếp tục những ngày sau đó, khoảng 15 ngàn quân Pháp cùng tàu chiến và hầu hết máy bay có ở Đông Dương, tiến lên vùng Việt Bắc cả bằng đường bộ, đường thủy và đường không.
Ngày 15/10, tiếp thu Lời kêu gọi quân dân Việt Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp ký bản Mệnh lệnh, ra lệnh cho mọi đơn vị ở Việt Bắc tiến hành đánh giặc.
Theo một số tài liệu, những binh lính Pháp trên chiến trường đã nhận ra sự thất bại, sớm hơn rất nhiều so với các vị tướng chỉ huy họ từ xa. Có thể thấy điều này qua thư từ, nhật ký của chính những người Pháp có mặt ở vùng Việt Bắc.
Sau hơn hai tháng chiến đấu anh dũng, quân đội Việt Nam đã đập tan cái gọi là "cuộc hành quân đại quy mô" của Pháp. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy binh lính của mình, bảo vệ vững chắc các cơ quan đầu não của Chính phủ. Không chỉ thế, qua chiến trận, các đơn vị bộ đội Việt Minh còn tỏ rõ sự tinh nhuệ, nhuần nhuyễn trong nhiều hình thái chiến tranh.
"Đánh thắng đại tướng phong đại tướng"
Quân đội ngày càng tiến lên chính quy, hiện đại. Đã đến lúc Nhà nước phải có sự phong cấp quân hàm cho đúng với vị thế của một quân đội đã đương đầu và không hề thua kém đội quân thiện chiến của một nước Đế quốc. Trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 19/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị thành lập Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong hàm cho một số cán bộ quân đội.
Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào lịch sử quân sự thế giới
Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào lịch sử quân sự thế giới
Chủ trương đó được toàn thể các thành viên Chính phủ hoan nghênh. Bác Hồ nói giản dị: "Chính phủ phong chú Văn (bí danh của đồng chí Võ Nguyên Giáp) hàm Đại tướng, chỉ có thế thôi và không báo trước. Sau đó, với tư cách là Chủ tịch nước, Bác mới ra Sắc lệnh".
Ngày hôm sau, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm cho một số cán bộ chỉ huy quân đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được trao quân hàm Đại tướng, cùng với 10 đồng chí khác được phong Trung tướng và Thiếu tướng.
Thời điểm này, Đại tướng đang đi công tác xa. Vì thế, mãi đến ngày 28/5/1948, lễ phong quân hàm mới được tổ chức trọng thể. Hội trường là một ngôi nhà mới dựng lên bên dòng suối lớn, nép dưới tán cây rừng, dựa lưng vào vách núi. Xung quanh chắn bằng những tấm vách mới đan, còn thơm mùi nứa. Phía trong, bàn thờ Tổ quốc trang trọng, nổi lên là lá cờ đỏ sao vàng. Hai bên bàn thờ chăng các khẩu hiệu: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Thống nhất độc lập nhất định thành công.
Buổi lễ bắt đầu, Hồ Chủ tịch hai tay nâng tờ Sắc lệnh, mời đồng chí Võ Nguyên Giáp lên. Bằng giọng trang nghiêm, vị Cha già dân tộc nói: "Hôm nay, thay mặt Chính phủ và nhân dân...". Người bỗng ngừng lời, nâng tấm khăn choàng trên cổ lau nước mắt. Giây phút đó, cả hội trường vô cùng xúc động. Một lát, Người nói tiếp: "... Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác...".
Vị Đại tướng cũng vô cùng xúc động. Ông cẩn trọng đón nhận Sắc lệnh từ tay Hồ Chủ tịch, rồi phát biểu: "... Tôi hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm tròn nhiệm vụ, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và thống nhất Tổ quốc".
Khi sự kiện trọng đại nói trên được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên nước ngoài đã xin gặp, phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người phóng viên đã hỏi đại ý: Vì sao cùng một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy và việc phong cấp dựa trên tiêu chuẩn nào?. Hồ Chủ tịch đã trở lời giản dị: "Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng".
Quả nhiên, trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, nhiều viên tướng, tá cao cấp của quân đội Pháp đã phải chịu thất bại. Còn ở tầm hoạch định chiến lược, Tổng Tư lệnh quân đội Việt Nam đã đánh bại cả hai viên tướng Tư lệnh cao cấp nhất của Pháp lúc bấy giờ ở Đông Dương.
Không chỉ thế, sau này, tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đi vào lịch sử quân sự thế giới. Hết lần này đến lần khác, nhiều tổ chức quốc tế bầu chọn ông vào danh sách những vị danh tướng tiêu biểu của khu vực, châu lục và thế giới. Trong nhiều cuộc phỏng vấn quốc tế về sau, không khi nào, nhà quân sự lỗi lạc quên nhận mình là người học trò trung hiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc thêm