Xung đột và lỗ hổng

(PLO) - Gần đây, hệ thống pháp luật của nước ta đã và đang ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chế độ chính trị, chế độ kinh tế, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật ở nước ta những năm qua cho thấy còn tồn tại hiện tượng nhiều quy phạm pháp luật (QPPL) trong một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí phủ định lẫn nhau hoặc trái với Hiến pháp (khoa học pháp lý gọi là xung đột trong pháp luật). 
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Ngoài ra còn có những quan hệ xã hội đang tồn tại và phát triển mà không có QPPL điều chỉnh (gọi là “lỗ hổng” trong pháp luật). Ngay cả sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật cũng tạo ra “lỗ hổng”

“Lỗ hổng pháp luật” – thực trạng không mới, khái niệm không mới. Đáng tiếc “bịt” mãi không xong. Điển hình gần đây là các sự cố môi trường, cháy quán karaoke, thậm chí ra nước ngoài như Trịnh Xuân Thanh.

Bên hành lang Quốc hội, một đại biểu trả lời báo chí về việc một số đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng lại viện cớ ra nước ngoài chữa bệnh sau đó bỏ trốn như Vũ Đình Duy gần đây. “Chúng ta hoàn toàn thấy được sơ hở trong luật pháp. Trong công tác quản lý cán bộ, những cán bộ có vi phạm, có nguy cơ sai phạm dứt khoát cơ quan phải biết, phải phòng ngừa bỏ trốn, làm bậy”, ông nhận định. Bên cạnh đó có sự thiếu sót, sơ hở trong pháp luật tố tụng hình sự của chúng ta. “Hiện nay trong Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rất chặt chẽ, cơ quan điều tra không thể vô cớ cấm người ta xuất cảnh được. Không thể vô cớ khởi tố người ta về hình sự được, mà phải có tài liệu chứng cứ rất rõ ràng, khi đó mới có thể cấm xuất cảnh được. Đây cũng là một sơ hở của pháp luật”, ông trải lòng.

Làm sao giải quyết được “lỗ hổng”?. Tất nhiên cần quan tâm tới phương pháp giải quyết xung đột và các cơ quan trong bộ máy hành pháp phải phối hợp tốt với nhau, không thể duy trì mãi tư duy “ông nào cũng to”. 

Sự phát triển của đời sống xã hội rất đa dạng, phức tạp và ngày càng phức tạp, nhất là ở thời kỳ hội nhập thế hệ mới dễ tạo ra “lỗ hổng”. Mỗi xung đột pháp luật đều có những đặc điểm riêng biệt cần thiết phải phân biệt để có phương pháp điều chỉnh. Để giải quyết có hiệu quả hơn nữa những xung đột pháp luật, phải giải quyết bằng những phương pháp khác nhau, đồng thời phòng ngừa những xung đột trong pháp luật phải phù hợp với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực cụ thể. 

Vấn đề khắc phục những “lỗ hổng” trong pháp luật là một vấn đề lớn trong khoa học lý luận về Nhà nước và pháp luật, do vậy, việc cần phải nghiên cứu vấn đề này cả về phương diện lý luận và thực tiễn, nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tất nhiên đây là câu chuyện vô cùng lớn!

Đọc thêm