Yêu cầu tập trung giải quyết các kiến nghị của người lao động

(PLO) - Hôm qua (25/7), tại buổi làm việc giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù đời sống của công nhân, người lao động được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn. Thủ tướng yêu cầu Tổng LĐLĐVN cần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Làm tốt, nhanh hơn các thiết chế công đoàn

Thủ tướng cho biết, với kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của người lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như cán bộ công đoàn với tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo, miệt mài lao động sản xuất trong nhà máy, công trường.

Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng về con số hơn 2,4 triệu đoàn viên Công đoàn, người lao động được tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và rằng, “đây là hướng quan trọng, không học tập, không rèn luyện, không nâng cao kỹ năng trong tình hình mới thì khó có năng suất cao, khó giải quyết vấn đề đời sống”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn, “có nơi lương tháng 15 – 20 triệu đồng nhưng có nơi lương chỉ 2 triệu rưỡi đến 3 triệu đồng”. Tình trạng DN phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động khiến nhiều người lao động thiếu việc làm. Tình trạng nợ lương vẫn xảy ra tại một số ngành, địa phương.

Tình trạng DN trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra. Tai nạn lao động vẫn gây thiệt hại lớn về con người và tài sản (gần 9.000 vụ tai nạn lao động làm khoảng 9.000 người bị nạn, trong đó có 928 người chết). Khó khăn về nhà ở, thiếu nhà trẻ, trường học ở các khu công nghiệp đã làm cuộc sống của công nhân, người lao động thêm khó khăn.

Quy định mới về cách tính lương hưu cho người về hưu từ 1/1/2018 phát sinh tâm lý bất an với lao động nữ; lao động nữ trên 35 tuổi tại một số DN FDI có việc làm không ổn định...

Thủ tướng yêu cầu, trước những vấn đề trên, Chính phủ, các cấp, các ngành phải lo nhưng Công đoàn cần chủ động đề xuất. Tổng Liên đoàn cần phối hợp với các bộ, ngành tập trung giải quyết, xử lý các kiến nghị của công nhân, người lao động tại cuộc đối thoại với Thủ tướng ở một số địa phương, đặc biệt là tại Hà Nam gần đây.

Về công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Đại hội Công đoàn lần thứ 12 (dự kiến diễn ra vào quý III/2018) sẽ thành công tốt đẹp. Các bộ, ngành và Công đoàn cần phối hợp tích cực chuẩn bị cho đội ngũ công nhân trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, cần phối hợp làm tốt, nhanh hơn các thiết chế công đoàn, trước mắt là nhà ở cho công nhân. Tiếp tục tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, xã hội... Các cấp chính quyền và công đoàn cần nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động, “nếu bức xúc ở bộ phận nhỏ không được giải quyết thì sẽ trở thành vấn đề xã hội rất lớn”, Thủ tướng nói.

75 văn bản tham gia ý kiến với các Bộ, ngành

Báo cáo trước Thủ tướng, Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết, trong thời gian qua, Tổng LĐLĐVN đã tích cực tham gia xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Theo đó, TLĐLĐVN đã có 75 văn bản tham gia ý kiến với các Bộ, ngành, cơ quan, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động.

Tổng LĐLĐVN cũng đã kịp thời phản ánh, kiến nghị Quốc hội và Chính phủ về nhiều vấn đề lớn như: Bất cập trong phương án sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP về hệ thống thang, bảng lương và định mức lao động; việc làm bền vững, nhất là đối với lao động nữ trên 35 tuổi; những vướng mắc trong quá trình đại diện khởi kiện tại Tòa án đối với DN nợ bảo hiểm xã hội của tổ chức Công đoàn; các điểm chưa hợp lý trong việc quy định lương hưu của Luật Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018, đề xuất xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu theo hướng có lộ trình đối với lao động nữ đảm bảo cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ trong thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội...

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình ngừng việc tập thể trong tháng 6 năm 2018, Tổng LĐLĐVN đã chủ động nắm bắt, dự báo, tình hình công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, báo cáo kịp thời và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng; triển khai nhiều giải pháp phù hợp nhằm ổn định tình hình trong đoàn viên, công nhân, lao động; tiến hành đa dạng các hoạt động vận động, giải thích để người lao động chấp hành đúng pháp luật, không nghe và làm theo những lời xúi giục, kích động gây mất trật tự an toàn xã hội, tự giác quay trở lại sản xuất ngay trong ngày nghỉ để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN...

Đọc thêm