Kế bên tôi là nhà ông C từ nơi khác đến chuyển nhượng và được cấp GCN vào năm 2002. Thời gian sau đó, hai bên gia đình xảy ra tranh chấp khoảng gần 1000m2 đất giáp ranh, vụ việc đã được hòa giải ở xã và đưa ra Tòa để giải quyết. Quá trình giải quyết, tôi phát hiện việc cấp GCNQSDĐ cho ông C có sự chồng lấn lên đất của tôi nên tôi yêu cầu hủy luôn GCNQSDĐ của ông C. Vậy, trong vụ kiện này UBND huyện đã cấp GCNQSDĐ cho ông C có phải tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không?
- Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức:
“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết; 2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó; 3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy; 4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của TAND cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.”
Theo quy định nêu trên, khi giải quyết vụ án tranh chấp QSDĐ có liên quan đến quyết định, GCNQSDĐ của ông C thì Tòa án phải đưa UBND huyện tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.