Trụ trì chùa Đồng thông tin về đại lễ xuân Yên Tử

Lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt và khai hội xuân Yên Tử sẽ được tổ chức tại Chùa Trình - Yên Tử vào ngày 18/2/2013. Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và là Trụ trì chùa Đồng- Yên Tử thông tin xung quanh sự kiện này.

Lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt và khai hội xuân Yên Tử sẽ được tổ chức tại Chùa Trình - Yên Tử vào ngày 18/2/2013. Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và là Trụ trì chùa Đồng- Yên Tử thông tin xung quanh sự kiện này.

- Xin Thượng tọa cho biết cụ thể về buổi Lễ đón bằng và khai hội xuân Yên Tử 2013?

- Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 1419 ngày 27/9/2012. Đây là 1 trong 11 di tích trên toàn quốc được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, ngày 27/9/2012, Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt” đối với 11 di tích. Trong đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất có 2 di tích là Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và Di tích lịch sử Bạch Đằng.

Việc nâng tầm quan trọng của hệ thống các di tích tại Yên Tử, từ Chùa Bí Thượng (chùa Trình) đến Chùa Am Hoa và hàng chục đài tháp, bia, tượng cổ kính cùng với đường Tùng, rừng Trúc, suối Giải Oan, thác Ngự Dội, vườn Ngự Dược, tượng đá An Kỳ Sinh… chính là cơ sở để di sản được bảo tồn và phát huy ngày một tốt hơn.

 

Chương trình Lễ đón bằng di tích quốc gia đặc biệt, khai mạc Hội xuân Yên Tử năm 2013 sẽ được truyền hình trực tiếp trên các Đài truyền hình Trung ương và Đài Truyền hình Quảng Ninh bắt đầu từ 20h, ngày 9 tháng giêng năm Quý Tỵ tức 18/2/2013.

Ngoài các nghi thức trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội sẽ có các chương trình, nghi thức dâng hương, Lễ cầu quốc thái dân an, Lễ đóng dấu thiêng Yên Tử là các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với trên 400 diễn viên của các đoàn nghệ thuật của Thành phố Uông Bí tham gia biểu diễn.

- Thưa Thượng Tọa, với hai sự kiện trên, dự kiến Yên Tử sẽ thu hút bao nhiêu lượt du khách?

- Hàng năm, Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài suốt 3 tháng mùa Xuân. Có hàng vạn lượt tín đồ Phật tử và du khách khắp nơi đổ về cả trong và sau dịp lễ hội. Lượng du khách đến với danh thắng Yên Tử mỗi năm một nhiều hơn. Năm 2011, đạt 2,4 vạn lượt khách, 9 tháng đầu năm 2012 là 2,6 vạn. Dự kiến, riêng ngày khai hội lần này sẽ có khoảng 1,5 vạn lượt khách du lịch đến với Yên Tử.

- Với lượng khách quá đông vào ngày khai hội như vậy, phương án nào để chống ùn tắc, lộn xộn thưa Thượng Tọa?

- Lễ khai mạc hội xuân Yên Tử nói riêng và toàn mùa lễ hội năm nay dự kiến đông hơn mọi năm. Đến thời điểm này mọi hoạt động chuẩn bị đang được gấp rút triển khai. Điểm tổ chức buổi lễ lại giáp quốc lộ 18, bởi vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là chống ùn tắc giao thông đã được Ban tổ chức quan tâm hàng đầu.

Trong phương án triển khai nhiệm vụ này, TP Uông Bí huy động gần 200 cán bộ chiến sĩ, công an, quân sự làm nhiệm vụ phân luồng, phân tuyến, hướng dẫn đảm bảo giao thông, đồng thời, mở rộng một số nút giao thông, lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia điều hành, hướng dẫn đại biểu và nhân dân về dự buổi lễ.

Đặc biệt là khu vực ngã ba Dốc Đỏ, khu vực Chùa Trình nơi tổ chức buổi lễ. Ngoài ra, các hoạt động chỉnh trang đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường, y tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cứu hộ cứu nạn, phòng chống cháy, đảm bảo an ninh trật tự… đều đã được chuẩn bị chu đáo. Thành phố Uông Bí cũng đã thành lập tổ kiểm tra, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở bố trí đại biểu ăn, nghỉ và các điểm phục vụ ăn uống. Đồng thời, tiến hành tổng vệ sinh trên toàn Khu Di tích.

- Rất nhiều phật tử, khách thập phương quan tâm tới việc đúc bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, xin Thượng Tọa có thể cho biết rõ hơn về bức tượng này?

- Vị trí xây dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nằm trong tuyến bộ hành đá tự nhiên, từ khu vực tượng đá An Kỳ Sinh lên chùa Đồng, khu di tích Yên Tử (xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh). Tượng được dựng trên khu đất rộng 2.200 m2 gồm khu vực đặt tượng, sân hành lễ, không gian tượng An Kỳ Sinh, sân tập kết và các công trình khác. 

Nơi đây khi xưa vua Trần Nhân Tông tu hành thường chọn tọa thiền và ngắm phong cảnh đất nước. Vào những ngày trời đẹp có thể nhìn ra cửa sông Bạch Đằng. Với tinh thần "Phật tọa dân an", tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc cân đối ở tư thế ngồi- trạng thái tĩnh tại, ung dung thư thái.

Tượng sẽ phù hợp với bối cảnh và địa hình chung, được lấy từ bản gốc bức tượng đá đang được thờ tại Tháp tổ chùa Hoa Yên”. Ngoài ra, trong quá trình đúc tượng, du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng thông qua một con đường mới được tạo từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng.

Bức tượng khổng lồ này có trọng lượng 140 tấn đồng. Tượng đúc ngồi trên bệ được làm bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc cao hơn 3 mét, đài sen hơn 2 mét, thân tượng đồng cao 9,9 mét. Đây là bức tượng nguyên khối lớn, được đúc theo công nghệ đúc trực tiếp trong điều kiện địa hình chật hẹp, khí hậu khắc nghiệt trên độ cao hơn 1.000m của Yên Tử. Nhiều nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng đã tham gia đúc bức tượng này.

Khu vực xây dựng tượng Trần Nhân Tông là một phần quan trọng trong hệ thống di tích chùa tháp tại Yên Tử và ở khu vực đồng bằng Bắc bộ nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, góp phần tạo thành một quần thể di tích lịch sử danh thắng nổi tiếng. Công trình dự kiến hoàn thành vào 1/11 âm lịch Quý Tỵ nhằm góp phần tôn vinh kinh đô Phật giáo Yên Tử và Phật giáo Việt Nam.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại non thiêng Yên Tử là dự án tâm linh trọng điểm do Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư với nguồn vốn xã hội hóa lên tới 100 tỷ đồng. Sắp tới, Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND Quảng Ninh lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân Văn hóa thế giới.

Thùy Dương

Đọc thêm