Trực Mỹ chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Trực Mỹ (Trực Ninh) đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho các hộ dân đưa nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Cơ sở sản xuất sản phẩm cói thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của anh Ngô Hoàng Kiều, thôn Hưng Nhân, xã Trực Mỹ (Trực Ninh), tạo việc làm cho hơn 100 lao động.  Ảnh: Đức Hoa
Cơ sở sản xuất sản phẩm cói thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của anh Ngô Hoàng Kiều, thôn Hưng Nhân, xã Trực Mỹ (Trực Ninh), tạo việc làm cho hơn 100 lao động.
Ảnh: Đức Hoa

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Trực Mỹ (Trực Ninh) đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho các hộ dân đưa nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Hàng năm, trước mỗi vụ sản xuất, UBND xã chỉ đạo HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật quy trình thâm canh cây trồng tới các đội sản xuất; đưa nhiều giống lúa lai và lúa thuần có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt vào gieo cấy. Tại các vùng trũng, bà con lựa chọn cấy giống cao cây, chịu nước như tạp giao, D.ưu 527; vùng đồng cao cấy giống Bắc thơm số 7, năng suất lúa bình quân cả năm đạt 127-130 tạ/ha. Diện tích cây vụ đông hàng năm trên đất 2 lúa của xã đạt trên 30 ha gồm bí xanh, ngô, khoai tây, đậu tương và rau màu các loại. Để chủ động sản xuất vụ đông, ngay từ vụ mùa, xã đã chỉ đạo các đội sản xuất quy vùng, cấy lúa mùa sớm bằng các giống ngắn ngày, bảo đảm thời vụ, được xã viên tích cực hưởng ứng. Năm 2009, hộ các ông Đoàn Văn Đạt, Đoàn Văn Hóa (đội 6) trồng 1,5-3 mẫu cây vụ đông, trừ chi phí, có thu 15-20 triệu đồng. Xã đã tạo điều kiện cho các hộ có diện tích cấy lúa ở vùng trũng, ven đê sông Ninh chuyển sang nuôi thủy sản với tổng diện tích trên 10 ha, cho hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết các hộ có diện tích chuyển đổi sang nuôi thủy sản đều kết hợp nuôi gia súc, gia cầm. Cả xã hiện có 2 hộ thường xuyên nuôi trên 100 con lợn, 4 hộ nuôi 50 con, 7 hộ nuôi 20-30 con. Hộ ông Vũ Văn Thành (đội 10) đầu tư 700 triệu đồng xây dựng trang trại tổng hợp với diện tích 2 ha trong đó có 1 ha nuôi thủy sản, diện tích còn lại ông nuôi 100-150 con lợn, trong đó có 20 con lợn nái ngoại; trung bình mỗi năm ông xuất bán 5 tấn cá và 17-20 tấn lợn hơi.  Trừ chi phí, mỗi năm trang trại của ông cho thu trên 100 triệu đồng. Trang trại của ông Mai Minh Đoan (đội 14) cũng có diện tích 2 ha gồm 1,2 ha nuôi thủy sản, diện tích còn lại nuôi 70-100 con lợn, gần 100 con gà, vịt, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Hộ ông Vũ Xuân Luân (đội 9) có 1ha nuôi thủy sản, ngoài ra còn nuôi 40-50 con lợn, 400 con vịt, gà đẻ và trồng 1 mẫu cây rau màu các loại.

 Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã Trực Mỹ còn khuyến khích các hộ duy trì các nghề vê đay, đan rổ rá, đan hộp bẹ chuối, thêu ren xuất khẩu, cho thu nhập 500-700 nghìn đồng/người/tháng trong thời gian nông nhàn… Để duy trì được nghề, xã đã mở nhiều lớp tập huấn, tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay đối với những hộ có nhu cầu qua nhiều kênh như Ngân hàng NN-PTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Trên địa bàn xã hiện có 3 cơ sở may công nghiệp, tạo việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng. Tổ hợp đan bẹ chuối xuất khẩu của chị Nguyễn Thị Tâm (đội 3) có 8 lao động, thu nhập 700 nghìn đồng/người/tháng trong thời gian nông nhàn. Tổ hợp làm hàng thêu ren xuất khẩu của anh Ngô Hoàng Kiều (thôn Hưng Nhân) hơn 10 năm nay thường xuyên có trên 20 lao động. Năm 2009, được UBND xã tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng, anh Kiều phát triển thêm nghề đan cói, bẹ chuối xuất khẩu, thu hút trên 100 lao động. Cty cổ phần xây dựng Minh Tiến sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuynel, công suất thiết kế 10 triệu viên/năm được xây dựng trên diện tích gần 21000 m2, với số vốn đầu tư 12 tỷ đồng, đi vào hoạt động đầu năm 2008. Cty tạo việc làm cho hơn 130 lao động có thu nhập ổn định từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. 

Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã Trực Mỹ phấn đấu năm 2010 thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/ha, cao hơn 5-7 triệu đồng/ha so với năm 2009.

Thanh Thủy

Đọc thêm