Tại một Trung Quốc tràn ngập những chiếc iPhone giả, nhan nhản băng đĩa vi phạm bản quyền và bà bán rau cũng xách túi “Louis Vuitton”, một người lái buôn gạo họ Lin đã nâng “trình” làm giả đến cấp độ mới khi tự dựng lên một ngân hàng tại Mỹ và tuyên bố mua lại nó!
|
Lin Chunping. Ảnh: AP |
Chuyện hàng giả, hàng nhái của Trung Quốc từ lâu đã được xem là một chuyện bình thường đến mức không ai thèm để ý. Hồi năm ngoái, giới chức thành phố Côn Minh đã phát hiện 5 cửa hàng Apple với mô hình cửa hàng, đồng phục nhân viên, đồ trang trí, thiết bị… giống hệt như những cửa hàng Apple ở Mỹ.
Đồ ăn, thức uống giả, gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng tràn lan. Lượng hàng giả, hàng nhái của Trung Quốc nhiều đến nỗi các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng thế giới dù biết nhưng cũng chẳng mấy khi đâm đơn kiện các nhà sản xuất Trung Quốc!
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, tờ Jinan Times có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông thậm chí đã phanh phui một trường đại học giả. Theo đó, những học sinh không đủ điểm để vào bất kỳ một trường đại học nào trong kỳ thi tuyển sinh đại học trên toàn quốc đã nhận được giấy báo nhập học giả của Viện Công nghiệp nhẹ Sơn Đông – một trường đại học thật.
Các sinh viên trong 4 năm học vừa qua đã phải trả gần 30.000 nhân dân tệ (4.800 USD) và được tham dự các lớp học tại Viện. Mọi việc chỉ vỡ lở vài tuần trước lễ tốt nghiệp của các sinh viên khi nhà trường thông báo rằng họ sẽ không nhận được bằng tốt nghiệp vì đã không được ghi danh chính thức tại trường mà thực chất chỉ là đã tham gia một chương trình đào tạo tư nhân thuê địa điểm tại Viện và người tổ chức chương trình tên Zhao Lianshan đã biến mất!
“Cho đến tận bây giờ, các giáo viên của chúng tôi đều giới thiệu họ là giảng viên của Viện Sơn Đông. Chỉ đến ngày 3/6 chúng tôi mới phát hiện ra rằng tuy học ở trong trường nhưng tất cả đều là giả mạo, từ thư giới thiệu cho đến giáo án đều là sao chép” – một học sinh đau đớn kể lại với tờ Jinan Times.
Zinch China - một mạng giáo dục trực tuyến của Mỹ có chi nhánh tại Trung Quốc - dựa trên số liệu thu được từ các cuộc phỏng vấn học sinh, phụ huynh và các nhân viên của mình tại Trung Quốc ước lượng rằng có đến 90% thư giới thiệu gửi đến các trường học tại Mỹ là giả, với 70% các bài luận do một người khác viết và có đến một nửa bảng điểm đính kèm đã được chỉnh sửa.
Hồi tháng 1 vừa qua, vị “doanh nhân” ít tên tuổi Lin Chunping nổi lên như một ngôi sao khi các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về việc Lin đã mua lại Ngân hàng Atlantic có trụ sở tại bang Delaware của Mỹ. Người đàn ông này nói với truyền thông sở tại rằng ngân hàng của Mỹ, và rằng ngân hàng này đã tuyên bố phá sản vào năm 2008 vì cuộc khủng hoảng tài chính.
Để thêm phần li kỳ hơn cho câu chuyện, Lin còn nói rằng ngân hàng này đã tồn tại 85 năm và do những người Do Thái điều hành. Lin cũng tuyên bố đổi tên ngân hàng thành New HSBC và cho biết ngân hàng đã thu hút được 40 triệu USD tiền gửi với mức lợi nhuận từ 5 đến 6 triệu USD!
Câu chuyện của Lin đặc biệt lôi cuốn bởi việc mua lại được một định chế tài chính ở nước ngoài là một niềm tự hào cho Trung Quốc, nó cho thấy sức mạnh nền kinh tế đang lên của nước này. Quan trọng hơn, việc mua một ngân hàng của Mỹ được xem là dấu hiệu cho thấy sự chiến thắng của Trung Quốc đang tỉ lệ thuận với sự suy giảm của Mỹ.
“Thương vụ” mua bán chưa từng có tiền lệ này đã mang đến cho Lin những lời tán tụng lên tận mây xanh, chính quyền tại thị trấn của Lin thậm chí đã bổ nhiệm doanh nhân này vào một vị trí tương đối, còn báo giới Trung Quốc gọi kinh nghiệm kinh doanh của Lin là một “huyền thoại”!
Tuy nhiên, thứ duy nhất có thể liệt vào hàng huyền thoại của Lin lại chính là sự cả gan của ông ta. Bởi trên thực tế, Lin không những không hề mua lại một ngân hàng Atlantic nào với giá 60 triệu USD như lời ông ta tuyên bố, mà ngân hàng Atlantic cũng chẳng có chi nhánh nào tại Delaware! Các phóng viên Trung Quốc đã không thể xác định được vị trí của Ngân hàng Atlantic hay bất kỳ một ngân hàng nào do Lin đứng tên quản lý tại bang Delaware.
Lin đã bị bắt hồi tháng 6 vừa qua vì một cáo buộc trốn thuế hàng triệu USD nhưng không liên quan đến vụ việc. Nhưng việc làm của người này đã cho thấy mức độ phát triển của các hình thức làm giả, làm nhái của Trung Quốc, biến hình từ sản xuất các hàng hóa mang hình thức na ná tới làm giả các tổ chức hành chính và cả sự nghiệp cá nhân. Sau khi bị phanh phui việc khoác lác hồi tháng 3 vừa qua,
Lin nói với các phóng viên rằng ông ta đã phóng đại để nâng cao địa vị xã hội và để giành được những cơ hội trong lĩnh vực ngân hàng trong tương lai!
Bảo An (Theo AP)