“Trung tâm thương mại thôn Bầu" hiu hắt ngày giáp Tết

Chợ Bầu (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) được nhiều công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long ví von là “siêu thị” hay “trung tâm thương mại”, nơi phục vụ nhu cầu cho hàng vạn lao động tại khu công nghiệp này. Hàng hóa ở “trung tâm thương mại… thôn Bầu” không có nhãn hiệu bạc triệu mà chỉ có những mặt hàng giá cao nhất “chỉ vài trăm nghìn”...

Chợ Bầu (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) được nhiều công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long ví von là “siêu thị” hay “trung tâm thương mại”, nơi phục vụ nhu cầu cho hàng vạn lao động tại khu công nghiệp này. Hàng hóa ở “trung tâm thương mại… thôn Bầu” không có nhãn hiệu bạc triệu mà chỉ có những mặt hàng giá cao nhất “chỉ vài trăm nghìn”...

Nồi lẩu cuối năm

Nằm ngay mặt đường vào thôn trên khoảng đất khá rộng, chợ Bầu nhìn phía sau giống như một nhà xưởng khá vuông vắn. Ngoài việc phục vụ nhu cầu của người dân của một khu vực của xã Kim Chung, thì khu chợ này còn là nơi cung cấp nhu yếu phẩm cho hàng vạn công nhân của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long gần đó.

h
Nhóm bạn của Ngọc mua 0,5kg lòng lợn với giá 35.000 đồng để đủ làm nồi lẩu cho bữa trưa.

Mùa giá rét, quanh khu chợ được che đậy bởi những tấm bạt, có nơi rách tả tơi. Đầu giờ sáng, nhóm bạn của công nhân Phạm Thị Ngọc đến thẳng chợ Bầu mua thực phẩm và sau nhiều lựa chọn họ chọn mua 5 lạng lòng lợn giá 35.000 đồng cho buổi ăn trưa. Chủ quầy thịt lợn cho biết, thịt ngon, sườn non đều do người dân ở địa phương mua, chứ công nhân “không mấy khi dám mua đồ ngon để ăn cả”.

Quê ở Thái Nguyên, Ngọc làm ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. “Lương cơ bản em nhận hàng tháng là 2,8 triệu, tính tổng thu nhập thì có khi được 3,5 triệu”, Ngọc không nói từng ấy tiền là cao hay thấp. Tiết kiệm chi phí, trong căn phòng trọ ẩm thấp ở giữa thôn Bầu, ước chừng 18m2, Ngọc và bốn cô gái “góp gạo thổi cơm chung” vẫn vui vẻ. Trong nhóm bạn, có người đang chờ việc nên thu nhập “không được nhận hết”.

Ngay trước chợ Bầu, nhiều mẹt hàng hoa quả có vẻ cũng ế ẩm. Những công nhân bước qua đó nhưng ngó lơ không hề mặc cả, trả giá để rồi đi thẳng vào chợ. “Mấy tháng nay ế ẩm, chắc ít việc, ít thu nhập”, chủ “quầy” bán cam tên Nguyệt lý giải.

Nơi đây, nhiều gian hàng bày bán quần áo, giày, dép được trưng ra rất quy củ, bắt mắt. Bà chủ cửa hàng giày giép Nga Hải cho hay, năm ngoái, khi ở chợ cũ thì khách hàng chen nhau mua chật kín. “Công nhân năm nay về quê nhiều vì không có việc.

Hàng ế ẩm, ít người mua, cả năm nay làm ăn khó khăn. Hàng hóa ở đây thì rẻ, trên kệ hàng đắt nhất là đôi “bốt” giá 200 nghìn, còn lại từ bảy đến tám chục. Nhưng trăm người vào chọn thì chỉ có một vài người mua”, chủ cửa hàng Nga Hải nói với vẻ mặt đăm chiêu. Cũng theo chủ cửa hàng này, năm nay ai buôn bán cũng “kêu”, vì “công nhân không đủ tiền ăn thì nói gì đến chi tiêu mua sắm”.

Trăm thứ lo

Những ngày cuối năm, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long vẫn mở cửa đón công nhân vào làm việc.     Nằm “ngoài rìa” thôn Bầu là nhiều dãy nhà chung cư cao tầng xây dựng cho công nhân ở. 7 giờ sáng, nhiều công nhân từ các khu nhà này ra điểm ăn sáng của chị Hiếu lập “dã chiến” bên đường phục vụ thực khách. Thực đơn cho buổi sáng không có những bát phở mấy chục nghìn, chỉ có xôi, bánh mì trứng.

Dáng người nhỏ thó, Nguyễn Thị Hoài (quê Đô Lương, Nghệ An) hôm nay chọn bánh mì trứng thay xôi. Giá tiền thì vẫn thế. Hoài nói mình là công nhân của công ty “níc sây”, tên kêu như doanh nghiệp Nhật Bản. Nhờ Hoài phiên âm cái tên chính xác, cô nói “không nhớ lắm, áo em mặc ở bên trong có ghi tên công ty”. Có vẻ lỡ lời, cô ngoảnh mặt đi nơi khác chữa thẹn.

Làm ở bộ phận phòng sạch, những công nhân như Hoài có tổng thu nhập mỗi tháng là 3,2 triệu đồng. Không lo chi phí tiền nhà vì được bố trí ở chung cư của công ty, chỉ phải trả 50.000 đồng gọi là phí dịch vụ, nhưng có tích cóp đến mấy, theo Hoài cũng “khó khăn lắm mới dành dụm để gửi cho gia đình”.

Cùng đi với Hoài còn có một số người bạn nhưng hôm ấy chỉ có Hoài đến nhà máy, còn lại quay về phòng hoặc tản mác ra chợ. “Không có việc làm, công ty trả 70% lương cơ bản và phải chờ có việc để được gọi”, công nhân Bùi Thị Thảo, chia sẻ. Theo Thảo, năm ngoái công việc “đều đều”, nhưng năm 2012 việc làm “đứt quãng” liên tục. “Về quê thì tốn kém khi công ty gọi lên làm việc, nên bọn em ở lại đây có việc gì thì làm thêm”, Thảo nói.

Bạn của Thảo, tên Thúy nói “không sống cùng chung cư” như bạn, bởi “vừa lập gia đình” nên thuê nhà ở ngoài. Tiền nhà, tiền điện nước, mỗi tháng phải chi trả tám trăm nghìn. “Tháng trước hay dừng ca, đợt này đều đều, với thu nhập “bình dân” cộng với công việc thất thường nhưng đủ thứ phải chi tiêu nên có trăm thứ phải lo nghĩ”, Thúy, nói buồn rầu.

Chợ Bầu vẫn mở cửa mỗi ngày, nhưng năm nay, “trung tâm thương mại” này có lẽ phải chứng kiến nhiều nỗi niềm của thượng khách, và cả chủ hàng…

Việt Hưng

Đọc thêm