Trưởng công an huyện nói về vụ “đánh người rạn xương” tại Quảng Ninh

Trên đây là ý kiến của Trưởng Công an huyện Hải Hà (Quảng Ninh) Điệp Văn Minh khi nói về quá trình điều tra, xử lý vụ ông Trần Đông An (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) bị Trịnh Văn Thế đánh rạn xương xườn vào ngày 25/12/2011 tại khu vực đảo Miều (PLVN đã phản ánh tại số báo ngày 23/6/2012)…

Trên đây là ý kiến của Trưởng Công an huyện Hải Hà (Quảng Ninh) Điệp Văn Minh khi nói về quá trình điều tra, xử lý vụ ông Trần Đông An (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) bị Trịnh Văn Thế đánh rạn xương xườn vào ngày 25/12/2011 tại khu vực đảo Miều (PLVN đã phản ánh tại số báo ngày 23/6/2012)…

Bận Tết… 3 tháng

Vụ việc xảy ra ngày 25/12/2011 khiến ông An phải điều trị tại Bệnh viện gần 10 ngày nhưng mãi tới ngày 21/3/2012, Điều tra viên (ĐTV) của CQĐT Công an huyện Hải Hà mới cho nạn nhân đi giám định thương tích. Lúc này, ông An được xác định bị tổn hại 10% sức khoẻ.

Thừa nhận việc để gần 3 tháng sau khi nạn nhân xuất viện mới cho đi giám định thương tích là “chậm trễ” nhưng Trưởng Công an huyện Hải Hà (Quảng Ninh) Điệp Văn Minh đã lý giải, “phải để nạn nhân điều trị ổn định vết thương mới đưa đi giám định được” hay “khó triệu tập ông An” và “vụ việc xảy ra đúng vào dịp Tết nên điều tra viên không được tích cực lắm”. Ông Minh còn cho hay, “vì sự thiếu tích cực” này nên chúng tôi đã phải thay đổi ĐTV”.

Từ ngày bị đánh, ông An sợ không dám về đảo Miều.

Nhưng có thể thấy sự “thiếu tích cực” của ĐTV còn thể hiện ở việc chậm chễ lấy lời khai của bị hại và thu thập chứng cứ: Hơn 1 tháng sau khi vụ việc xảy ra, bị hại mới được lấy lời khai; CQĐT không thu được tuýt của đối tượng Thế, không mô tả chi tiết và cũng không chụp ảnh được vết thương của nạn nhận….

Hậu quả là, cho đến nay, CQĐT vẫn chưa thể xác định vết thương của ông An là do Thế đá bằng giầy hay đánh bằng tuýt nước hoặc ngoài Thế, còn những đối tượng nào tham gia đánh ông An?.

Khi hành vi đánh người còn chưa rõ ràng thì ĐTV của vụ án lại đã vội vàng kết luận với bị hại rằng “bị đá bằng chân mà thương tích 10% thì chưa thể khởi tố vụ án”. Chính điều này đã gây bức xúc cho bị hại bởi họ luôn khẳng định “đã bị đánh bằng búa, tuýt nước, sống dao…” nên đặt nghi vấn về việc vụ việc bị “chìm xuồng”.

Đến cuối tháng 6 vừa qua, theo yêu cầu của CA tỉnh Quảng Ninh, CQĐT CA huyện Hải Hà đã phải khởi tố vụ án “Cố ý gây thương ích” để tiếp tục điều tra. Ông Minh giải thích về quan điểm khác nhau giữa CA huyện và CA tỉnh rằng, “Chúng tôi mới gọi ông An lên để giải thích về việc không khởi tố chứ chưa ra Quyết định không khởi tố vụ án”?.

VKSND huyện từng đề nghị khởi tố

Trước khi có yêu cầu khởi tố vụ án của công an tỉnh thì VKSND huyện Hải Hà cũng từng có yêu cầu tương tự. Ông Tống Văn Hiện- Viện trưởng VKSND huyện Hải Hà cho hay, “vào tháng 5/2012, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu CQĐT CA huyện Hải Hà khởi tố vụ án. Nhưng CQĐT đã không khởi tố vụ án ngay mà đi xin ý kiến cấp trên. Đến tháng 6 mới ra Quyết định khởi tố vụ án”.

Hành vi đánh người trong vụ việc này còn có mục đích “chiếm đoạt tài sản” và mang tính chất “bắt, giữ người”?. Cả ông Minh và ông Hiện đều cho hay, “trước mắt là khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích. Qua điều tra, nếu  xác định vụ việc có hành vi phạm một tội khác thì sẽ thay đổi hoặc bổ sung Quyết định khởi tố”.

Trong khi đó, ông An kể, “khi thấy khoảng 10 thanh niên cầm dao, kiếm, tuýt nước… cập vào đảo, tôi đã bỏ chạy nhưng vẫn bị 3-4 người đuổi kịp, đánh và lôi tôi xuống xuồng, chở về đất liền”.

Còn ông Nguyễn Văn Long- Trưởng công an xã Quảng Phong thì cho hay: “Tại nhà Thế, khi soi đèn để xem ông An có thương tích gì không thì  ông An kể “mấy anh em này bắt tôi vào. Tôi không vào thì giằng co nhau…”. Lúc đó, Thế cũng trình bày “chúng cháu bắt ông ấy vào để ông ấy xem vợ cháu bị chó cắn”.

Qua trình bày trên, có thể thấy ông An không tự nguyện đi vào đất liền cùng nhóm anh Thế. Ngoài ra, với lời khai trong hồ sơ, ông Minh cho biết thêm “lúc ở trên đảo Miều, ông An có cầm cây giáo tự tạo nhưng thấy có 4 đối tượng rất to con nên sợ và bỏ chạy”.

Rồi cấp phó của ông Minh là thượng tá Nguyễn Bá Trường cũng từng phát biểu “ông An bị đánh, tát và phải đi về đất liền cùng nhóm người của Thế. Vào hoàn cảnh đó, nếu ông này không đi thì cũng sợ chúng nó "giã" cho. Trong thâm tâm, nếu không muốn đi thì cũng bị nó ép”.

Tuy nhận định như vậy, nhưng cho đến thời điểm này (tức là 7 tháng sau khi xảy ra vụ việc) ông Minh vẫn trả lời “chưa khẳng định có việc Thế dùng vũ lực ép ông An phải đi vào đất liền hay không?. Chưa chứng minh được việc ông An viết giấy bồi thường cho vợ Thế là tự nguyện hay bị dùng vũ lực cưỡng ép”. Dư luận hy vọng, việc khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” không chỉ dừng ở việc làm “cho có”…

Khoa Lâm

Đọc thêm