Về hiệu quả KTXH của dự án, theo Bộ KH&ĐT, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động cá cược sẽ tạo ra những thay đổi về mặt xã hội. Đồng thời tại báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021 (đã được kiểm toán) ghi nhận DN lỗ khoảng 30,35 tỷ đồng.
Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện dự án theo tiến độ cam kết.
Theo Bộ KH&ĐT, Lâm Đồng là địa phương có tiềm năng du lịch, việc có thêm các dịch vụ, trong đó có hoạt động đua ngựa sẽ làm phong phú các loại hình du lịch, giữ chân du khách, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, chưa có dự án đặt cược đua ngựa, đua chó tại Lâm Đồng nên việc bổ sung mục tiêu kinh doanh đặt cược của dự án là phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Lâm Đồng đến 2020.
Tuy nhiên, kinh doanh đặt cược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, Lâm Đồng có trách nhiệm tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện dự án theo tiến độ cam kết; phối hợp các bộ, ngành để quản lý, giám sát hoạt động tổ chức đua ngựa, đua chó đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Về điều kiện vốn đầu tư, điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 06/2017/NĐ-CP quy định:
Vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ đồng với hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa và tối thiểu 300 tỷ với đua chó. Nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư từ hơn 1.002 tỷ đồng lên hơn 1.548 tỷ đồng. Do đó, theo Bộ KH&ĐT, mức vốn do nhà đầu tư đề xuất tăng thêm đáp ứng quy định.
Theo hồ sơ dự án, nhà đầu tư đề xuất 50 điểm đặt cược (28 điểm đặt cược lớn, 22 điểm đặt cược nhỏ) ngoài trường đua trên cả nước. Trong khi để đảm bảo nguyên tắc thận trọng và cân bằng giữa mục tiêu phát triển và mục tiêu duy trì trật tự an toàn xã hội, theo quy định hiện hành, địa bàn kinh doanh đặt cược ngoài trường đua chỉ được thực hiện phương thức phân phối vé đặt cược qua thiết bị đầu cuối ngoài trường đua và qua điện thoại (cố định hoặc di động), không gồm phương thức phân phối vé đặt cược qua mạng Internet hoặc các ứng dụng công nghệ Internet trên điện thoại.
Phương thức phân phối qua điện thoại chỉ được thực hiện sau 1 năm thực hiện phương thức phân phối vé đặt cược thông qua thiết bị đầu cuối. Vì thế, Bộ KH&ĐT lưu ý, trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương bổ sung mục tiêu kinh doanh đặt cược, DN sẽ thực hiện thủ tục cấp GCN đủ điều kiện kinh doanh đặt cược (trong đó có nội dung về địa bàn kinh doanh đặt cược và phương thức phân phối vé đặt cược) và tổ chức kinh doanh đặt cược theo Nghị định 06/2017/NĐ- CP.
Trong tờ trình, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận bổ sung mục tiêu tổ chức kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó trong và ngoài trường đua của dự án. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao Lâm Đồng rà soát, đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm các bên trong việc để dự án chậm tiến độ nhiều năm qua, xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời yêu cầu Sở KH&ĐT Lâm Đồng trước khi điều chỉnh GCN đầu tư dự án cần lưu ý các vấn đề: nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục liên quan khác đúng quy định.
Cần ràng buộc trong nội dung GCN việc hoàn thành đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đua chó trước khi cấp phép đủ điều kiện kinh doanh cá cược, đặt cược. Rà soát điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định, đánh giá quá trình triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư trước khi thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường. Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng giao UBND Lâm Đồng giám sát chặt tiến độ dự án, yêu cầu nhà đầu tư lên phương án cụ thể về tiến độ giải ngân vốn vay thực hiện dự án đúng nội dung được phê duyệt, cam kết. Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về lộ trình thu xếp tài chính.