Truy tố tướng quân đội 'dỏm' lừa 1.000 người

(PLVN) - 1.000 người đã “sa bẫy” Thiếu tướng 'dỏm'. Cơ quan An ninh điều tra vẫn đang tiếp tục truy tìm, làm rõ đối tượng mang biệt danh T1. 
Các hình ảnh, quân hiệu giả bị cơ quan chức năng thu giữ.
Các hình ảnh, quân hiệu giả bị cơ quan chức năng thu giữ.

Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội vừa kết thúc điều tra vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Hoa Hữu Long (SN 1964, trú quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) giả danh Thiếu tướng quân đội cầm đầu.

Cùng bị truy tố với Long về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” còn có Cao Thị Kim Loan (vợ Long, SN 1970) cùng 12 đồng phạm khác.

Theo kết quả điều tra, tháng 2/2018, Cục Bảo vệ An ninh quân đội, Bộ Quốc phòng nhận được nhiều đơn trình báo của người dân tố cáo về một đối tượng tự xưng là Hoa Hữu Long, Thiếu tướng quân đội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn, thông qua hình thức nhận người vào làm việc tại Tập đoàn Đông Dương của Bộ Quốc phòng (S10).

Vợ chồng Hoa Hữu Long và Cao Thị Kim Loan
Vợ chồng Hoa Hữu Long và Cao Thị Kim Loan

Cục này đã tổ chức điều tra xác minh cho thấy Bộ Quốc phòng không có ai là Thiếu tướng Hoa Hữu Long, không có tập đoàn Đông Dương nào thuộc Bộ Quốc phòng (S10). Do vậy, đầu tháng 4/2018, Bộ Quốc phòng đã chuyển hồ sơ sang CATP Hà Nội.

Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Công an TP Hà Nội cho biết, sau khi báo chí đăng tải thông tin về đối tượng Hoa Hữu Long lừa đảo, đã có hàng chục bị hại đến trụ sở để trình báo về việc đã từng nộp tiền cho đường dây của Long để được tuyển dụng vào Tập đoàn Đông Dương. Nhiều bị hại khác ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đã liên lạc qua số điện thoại với Cơ quan ANĐT để được hướng dẫn giải quyết thông tin liên quan đến vụ án.

Đa số những người bị lừa đều đến Cơ quan ANĐT trình báo mà không xuất trình được bất kỳ giấy tờ biên nhận nào đã giao tiền cho "chân rết" của Hoa Hữu Long. Họ cho biết, do số tiền bỏ ra từ 50 triệu đồng đến 150 triệu đồng là không quá lớn, trong khi đổi lại được tuyển dụng sỹ quan trong lực lượng quân đội nên đã chấp nhận thỏa thuận và không nghĩ đến việc yêu cầu người nhận tiền phải viết giấy biên nhận khi giao tiền.

Tang vật chứng bị Công an TP.Hà Nội thu giữ.
Tang vật chứng bị Công an TP.Hà Nội thu giữ. 

Đáng nói là, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi, đến mức, khi vụ việc bị phát giác, không ít người vẫn một mực tin rằng việc Bộ Quốc phòng chuẩn bị thành lập tập đoàn Đông Dương là có thật, những người khác không biết bởi đơn vị này bí mật.

Ngày 14/4/2018, Cơ quan ANĐT, CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố lần lượt 14 bị can, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp tố tụng khác nhau. Qua khám xét tại nơi ở của Long và các đồng phạm, Cơ quan Công an còn thu giữ gần 1.000 bộ hồ sơ xin việc của các bị hại, 12 bản công văn có dấu đỏ giả mạo quyết định của Bộ Quốc phòng và các cơ quan Đảng, Nhà nước; cùng hàng trăm bản phô tô “điện mật đi” của Bộ Quốc phòng liên quan đến việc chỉ đạo tổ chức thành lập S10 do Long tự tạo ra.

Hoa Hữu Long và các đối tượng đã thu tiền của các nhân sự có nhu cầu tuyển dụng tổng cộng hơn 83 tỷ đồng, để chạy việc vào tập đoàn Đông Dương. Đến nay, Cơ quan ANĐT đã lấy lời khai 650 bị hại, còn hàng trăm bị hại khác tuy đã có giấy triệu tập nhưng không đến, hoặc địa chỉ không rõ ràng.

Riêng đối với vợ chồng Hoa Hữu Long, Cao Thị Kim Loan cũng như một số đối tượng khác đều khai báo số tiền thu được của người lao động đã nộp về cho đối tượng mang biệt danh T1, thường gọi là - anh Đức..., nhưng không biết T1 là ai, Đức ở địa chỉ nào, làm gì? Khi đưa tiền cũng không có giấy tờ biên nhận vì tin tưởng nhau, các đối tượng chưa được hưởng lợi gì.

Hiện vụ án đã kết thúc điều tra và để đảm bảo quyền lợi người liên quan, Cơ quan ANĐT vẫn đang tiếp tục truy tìm, làm rõ đối tượng mang biệt danh T1. Ai biết thông tin gì liên quan đến người mang biệt danh T1, báo về Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội (89 Trần Hưng Đạo, điện thoại 0.692.194.064) để phối hợp giải quyết theo quy định.

Đọc thêm