Giải mã “kẻ giết người thầm lặng” mang tên trầm cảm!

(PLVN) - Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp người trẻ nhảy lầu tự sát do trầm cảm. Đây là một thực trạng đáng báo động. Nhiều bậc cha mẹ đã không nhận diện được những triệu chứng của căn bệnh nguy hiểm này, có đến khi hậu quả dáng tiếc xảy ra. Chúng tôi gặp gỡ chuyên gia tâm lý, Thạc sỹ Trần Thị Mạnh Linh để giải mã căn bệnh của xã hội hiện đại mang tên trầm cảm của độ tuổi vị thành niên.
Giải mã “kẻ giết người thầm lặng” mang tên trầm cảm!

-  Thưa bà, tình trạng trầm cảm ở lứa tuổi mới lớn đang ở mức báo động. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không nhận biết được tình trạng bệnh của con, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Có những trường hợp nạn nhân đã tự tử vì bệnh không được can thiệp kịp thời.  Bà có thể cho biết những dấu hiệu để nhận biết căn bệnh này ở lứa tuổi học sinh.

Bà Trần Thị Mạnh Linh: Nói đến trầm cảm rất nhiều người biết. Những dấu hiệu để biết được trầm cảm có thể kể đến những dấu hiệu như sau:

Thứ nhất, phải phân biệt được nỗi buồn của trầm cảm đối với những nỗi buồn bình thường. Những nỗi buồn bình thường nó có thể đến một cách bất ngờ không lý do gì cả hoặc có thể có lý do. Ví dụ như các bạn học sinh bị điểm kém, bị bạn của mình tẩy chay hoặc là hôm nay có xích mích một chút với bạn hoặc thầy cô giáo hay bố mẹ không hiểu ý. Nhưng khi hoàn cảnh thay đổi thời tiết thay đổi, địa điểm thay đổi, những nỗi buồn ấy có thể qua đi, thì đấy là nỗi buồn bình thường.

Trái lại, trầm cảm là những nỗi buồn đến nhưng không thể tự mất đi và nếu như những nỗi buồn ấy kéo dài quá 2 tuần mà không mất đi thì lúc đấy ta có thể nghĩ đến vấn đề về trầm cảm.

Vậy những dấu hiệu trực tiếp của việc trầm cảm là những dấu hiệu cụ thể như sau:

Đầu tiên, những bạn học sinh bị trầm cảm có tâm trạng đi xuống, không tự mất đi được. Tức cứ buồn và suy nghĩ mãi về  một hay nhiều chuyện bất kì nào đó.

Thứ 2, các bạn sẽ mất đi hứng thú, những việc trước đây từng hứng thú thì bây giờ giảm hứng thú đi, thậm chí bị mất hẳn, đặc biệt là trong những môn học. Học sinh thường đến tìm hỗ trợ không phải vì trầm cảm mà là bởi vì “bây giờ con học khó, con bị điểm kém, con không thích học mà con không biết vì sao”.

Ngoài việc học thì những hứng thú trước đây ví dụ như cảm xúc chơi với một bạn nào đó hoặc chơi 1 hoạt động nào đó cũng mất đi, giảm đi mà không có lý do gì để kiểm soát được điều đó. Cũng có thể như cảm giác ăn mất ngon, chán ăn, rồi mất ngủ, có thể nằm li bì nhưng không hề ngủ, thứ nữa đó là học tập mất khả năng tập trung, học rất khó khăn.

Trầm cảm cũng làm cho học sinh mất năng lượng đi, vì vậy nên các bạn hay ngủ gật xuống bàn, gục xuống bàn rồi không tham gia đc các hoạt động chơi, hỏi cũng không buồn mở mồm ra trả lời. Học sinh hay gặp dạng bồn chồn, chậm chạp, làm gì cũng chậm chạp lờ đờ, cử động mắt chậm.

Dấu hiệu nặng nhất khi mà học sinh hay nói hoặc hay nghĩ đến vấn đề tự sát. Chuyện này không phải là khi học sinh tự sát rồi mới biết là trầm cảm mà học sinh đã có dự định trong đầu, tính đến tự sát như thế nào để có hiệu quả rồi,…

Đó là những dấu hiệu cơ bản để nhận biết. Nếu học sinh có trên nửa những dấu hiệu mà tôi vừa liệt kê ra thì có thể đặt ra câu hỏi là học sinh có trầm cảm hay không để đi tìm hỗ trợ.

- Theo bà, nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên là gì?

Bà Trần Thị Mạnh Linh: Trong trường hợp thực tế mà tôi làm việc, học sinh thường trầm cảm ở các nguyên nhân:

Thứ nhất là áp lực học tập quá nhiều, học sinh không có thời gian để nghỉ ngơi cũng như thời gian chơi rất ít.

Thứ 2 là từ phía các mối quan hệ:

Từ phía nhà trường có mối quan hệ như học sinh rơi vào nhóm bạn bị cô lập, ở lứa tuổi dậy thì điều này xảy ra cực nhiều nhất là ở lớp 7,8. Mối quan hệ với giáo viên cũng là 1 vấn đề mà học sinh cực kì áp lực. Tức là học sinh không được thấu hiểu hoặc thấu hiểu theo cách 1 chiều từ phía giáo viên, nhưng học sinh không có khả năng nói lại, không có khả năng phản bác lại.

Từ phía gia đình thì học sinh luôn luôn là 1 chiến tuyến mà không được cha mẹ hiểu, cha mẹ luôn đúng và con luôn sai, con nói cái gì đó theo cách 1 hay cách 2 thì cha mẹ vẫn dùng lý lẽ để cha mẹ đúng.

Còn riêng lứa tuổi dậy thì vào tầm khoảng cuối lớp 6, lớp 7,8,9 thì trầm cảm do sự thay đổi của lứa tuổi cũng rất phổ biến.

-  Theo bà, khi phát hiện con mình có những biểu hiện này, cha mẹ cần  phải làm gì? Việc chăm sóc con ở nhà nên như thế nào?

BàTrần Thị Mạnh Linh: Cha mẹ đầu tiên cần tập huấn hay nói cách khác là tìm hiểu về các dấu hiệu về trầm cảm.

Thứ 2 ở phía cha mẹ cần phải nâng cao kiến thức, học tập cả về kiến thức về nuôi con. Cái đó không nằm trong việc để giải quyết trầm cảm nhưng nó lại hạn chế được trầm cảm ít xuất hiện. Và khi được tập huấn thì cha mẹ rất nhạy cảm để quan sát con xem là khi nào con buồn bình thường rồi khi nào con có những nỗi buồn và ảnh hưởng của trầm cảm. Nếu cha mẹ có kĩ năng đó rồi thì việc tiếp theo cha mẹ cần làm 1 số bước như sau:

Thứ nhất, nếu như phát hiện con có nỗi buồn thì hãy xem là nỗi buồn ấy nó nhanh đến, là nỗi buồn bình thường hay là nỗi buồn do trầm cảm. Nếu như nỗi buồn do trầm cảm thì hãy động viên con, khuyến khích con nên đi tìm hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý, vì bản chất của trầm cảm đó là bản thân thân chủ không tự vượt qua được. Sau khi động viên khuyến khích con và đi tìm nhà trị liệu thì cha mẹ kết hợp với bác sĩ trị liệu làm việc với con theo hướng: "Trầm cảm nó chỉ là cảm cúm thôi" để cho các bạn ấy nhẹ nhàng hơn.

Sau khi con đã đồng ý đi gặp bác sĩ rồi thì cùng với con lập nên danh sách câu hỏi: "Con có vấn đề gì, con có muốn hỏi bác sĩ điều gì không, con có cần giúp đỡ gì không...", hỗ trợ con viết ra trước, để khi con đến gặp bác sĩ thì con sẽ hỏi những điều đó. Đấy là việc mà cha mẹ cùng con trải qua trầm cảm.

Thứ 3, cha mẹ cùng con làm việc nhà, tức là không để con tự làm, cha mẹ cùng với con làm thì con mới có hứng thú để làm, cha mẹ cùng với con tham gia các hoạt động diễn ra ở trong gia đình, cùng nấu ăn, cùng tập thể dục, cùng tham gia hoạt động chung. Riêng hoạt động thể dục tốt thì con mình cũng đã có khả năng vượt qua trầm cảm rất tốt rồi.

Thêm nữa là cha mẹ cũng nên có những cuộc trò chuyện với con một cách thoải mái và nên chân thành hết mức, đừng tỏ ra mình là những người luôn đúng thì con sẽ không chia sẻ.


Bệnh trầm cảm tuy ảnh hưởng đến não bộ, thuỳ trán, đồi thị, rồi nó cũng làm cạn kiệt đi một số các chất dẫn truyền trong thần kinh đặc biệt là dopamine, serotonin, những chất dẫn truyền đó nó giảm nhưng mà vẫn có thể khắc phục được. Tuy nhiên, tự bản thân thân người bị trầm cảm và bố mẹ không thể tự vượt qua được. Trầm cảm cần phải có sự hỗ trợ của chuyên gia tấm lý và có thể kết hợp dùng thuốc trong trường hợp cần thiết.

"Quan trọng nhất là bố mẹ luôn phải theo sát con cái không rời một ly." - Th.s Mạnh Linh chia sẻ thêm. 

Một thống kê cho thấy có đến 6% dân số tại TP.HCM bị bệnh trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi.

Nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới. Trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân nam bị trầm cảm. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 - 30% mỗi năm.

Đặc biệt thời gian gần đây các bệnh viện cũng ghi nhận có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên.

Đọc thêm