Truyền thông phòng, chống HIV/ AIDS cho người lao động: Ngắn gọn nhưng phải hiệu quả

Nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp giày dép về HIV/ AIDS, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức các buổi truyền thông tại cơ sở. Thông điệp thì nhiều, nhưng công nhân chưa nhiệt tình tiếp nhận.

Nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp giày dép về HIV/ AIDS, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức các buổi truyền thông tại cơ sở. Thông điệp thì nhiều, nhưng công nhân chưa nhiệt tình tiếp nhận.

 

Trong khi một số công nhân Công ty TNHH giầy Aurora xem tờ rơi về ma túy, nhiều công nhân khác bỏ về
Trong khi một số công nhân Công ty TNHH giầy Aurora xem tờ rơi về ma túy, nhiều công nhân khác bỏ về

Thiếu kiến thức về HIV/ AIDS

 

Dự các buổi truyền thông tại Công ty TNHH giầy Aurora và Công ty Yen of London , mọi người đều có chung nhận xét: người lao động ở các đơn vị này khá hiểu biết về đại dịch HIV/AIDS.

 

Khi được hỏi về những nguy cơ lây truyền HIV/ AIDS, họ đều trả lời rằng, đó là quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su, sử dụng các dụng cụ tiêm chích không tiệt trùng, truyền máu không an toàn. Ngoài 3 nguy cơ nêu trên, hầu hết không biết còn cách lây truyền nào khác. Nhưng khi được gợi ý: “Trong quá trình nuôi con, người mẹ bị nhiễm H (HIV/ AIDS) có thể truyền bệnh cho con không? Có thể điều trị nghiện thuốc phiện bằng Methadone? Khi nào điều trị bằng thuốc ARV với những người bị nhiễm H?” thì họ đều trả lời không biết hoặc trả lời sai. Vũ Thị Thu Thủy và Vũ Thị Liên, phiên dịch tiếng Trung tại Công ty TNHH giầy Aurora cho biết, từng là sinh viên Trường đại học Hải Phòng, từ khi còn học trong trường, họ được cung cấp những kiến thức về H, nguy cơ lây truyền H. Nhưng phần kiến thức lây truyền từ mẹ sang con, họ cho rằng trẻ chỉ bị lây nhiễm H khi người mẹ mang thai, còn cho con bú không ảnh hưởng gì.

 

Công nhân Lê Thị Hiền, làm việc ở dây chuyền hoàn chỉnh số 3, hiện mang thai con thứ 2 mạnh dạn: “Tôi nghe nói mẹ bị nhiễm H vẫn có thể sinh ra đứa con bình thường, không bị nhiễm H nếu được điều trị, còn cụ thể điều trị thế nào, điều trị ở đâu thì không biết”.

 

Sự phối hợp chưa… nhịp nhàng

 

Mỗi buổi truyền thông về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS được Liên đoàn Lao động thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời mời các chuyên gia y tế, nhóm tuyên truyền về HIV/AIDS chuyên nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, do sự phối hợp của doanh nghiệp chưa chặt chẽ nên việc tổ chức tuyên truyền còn nhiều hạn chế. Rất ít công nhân dự từ đầu đến cuối chương trình.

 

Buổi tuyên truyền tại Công ty TNHH công nghiệp giầy Aurora dù được chuẩn bị khá chu đáo, nhưng được đánh giá là chưa thành công. Nguyên nhân là do chương trình tuyên truyền vừa khai mạc được 15 phút, khoảng 2/3 số công nhân bỏ về. Một số công nhân cho biết, theo kế hoạch, chương trình tuyên truyền mất khoảng 1 giờ. Thế nhưng lãnh đạo doanh nghiệp chỉ cho phép tổ chức ngoài giờ hành chính. Hằng ngày, công nhân kết thúc làm việc vào lúc 5 giờ chiều. Sau giờ đó, ai cũng muốn về nhà chăm lo việc gia đình, chuẩn bị bữa ăn tối. Một công nhân cho biết: “Mặc dù chương trình có nhiều nội dung hấp dẫn, bổ sung kiến thức cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không thể tham dự đến phút cuối. Nếu doanh nghiệp cho công nhân nghỉ sớm khoảng nửa giờ so với quy định thì chắc chắn sẽ có nhiều công nhân ở lại hơn”.

 

Để các buổi truyền thông về pháp luật hoặc phòng, chống HIV/AIDS thành công, cần có văn bản quy định cụ thể, yêu cầu doanh nghiệp phải dành giờ hành chính và buộc mọi công nhân phải tham gia. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cần tập trung vào những nội dung cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền sao cho vừa tạo không khí vui vẻ, có thể truyền đạt được những nội dung cần thiết nhất.

 

Hoàng Dũng

Đọc thêm