TTC Sugar tiếp quản dự án nhà máy đường với 16.000 ha đất ở Campuchia

(PLVN) - Việc có thêm nhà máy sản xuất phức hợp đường - cồn - điện ở tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia đã giúp Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar; HoSE: SBT) chính thức đạt quy mô hoạt động trên toàn khu vực Đông Dương.
Sau hợp đồng 4 bên này, TTC Sugar sẽ có vùng nguyên liệu hơn 70.000 hecta và 10 nhà máy tại 3 nước Đông Dương
Sau hợp đồng 4 bên này, TTC Sugar sẽ có vùng nguyên liệu hơn 70.000 hecta và 10 nhà máy tại 3 nước Đông Dương

Ngày 26/3/2019, tại TP.HCM, TTC Sugar cùng Công ty TNHH Kasekam Youveakchun Svay Rieng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi Nhánh TP.HCM, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) đã ký kết một hợp đồng quản lý, bảo dưỡng và khai thác tài sản.

Với hợp đồng trên, TTC Sugar sẽ thực hiện quản lý, bảo dưỡng và vận hành toàn bộ nhà máy, máy móc thiết bị, quyền sử dụng đất thuộc Dự án Nhà máy sản xuất phức hợp Đường - Cồn - Điện của Công ty TNHH Kamadhenu Ventures Cambodia tại huyện Sambou, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia. 

Ông Nguyễn Thanh Ngữ - Tổng Giám đốc TTC Sugar cho biết, lý do đại gia ngành đường lựa chọn dự án này của Campuchia để mở rộng quy mô sau nhà máy tại Attapeu (Lào), là bởi vùng đất này còn hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác có sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, diện tích đất canh tác rất lớn và liền thửa, phù hợp cho việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Vùng nguyên liệu trên còn có vị trí nằm gần sông Mê Kông, rất thuận lợi cho việc tưới tiêu và có tiềm năng để triển khai trồng mía Organic (mía hữu cơ) theo tiêu chuẩn Châu Âu. Có thể nói, đây là những điều kiện mà ở Việt Nam hoàn toàn không có được.

Kết hợp với thế mạnh về kỹ năng, kinh nghiệm quản lý trong hoạt động nông nghiệp, TTC Sugar sẽ triển khai canh tác mía nguyên liệu trên quy mô lớn, áp dụng triệt để máy móc cũng như các biện pháp khoa học kỹ thuật – vốn là thế mạnh của TTC Sugar – nhằm hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất, tận dụng được nguồn phụ phẩm để tối ưu hóa chuỗi giá trị cây mía, tạo ra các sản phẩm cạnh đường, sau đường có giá trị cao như cồn, phân bón…

Qua đó gia tăng đáng kể sức cạnh tranh của không chỉ TTC Sugar mà còn của cả ngành đường Việt Nam khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng vào năm 2020. Đặc biệt, bằng chiến lược đẩy mạnh đầu tư vào mảng năng lượng, TTC Sugar sẽ có thể đưa công suất phát điện sinh khối, điện mặt trời của dự án này lên đến 150MW.

Ông Phùng Nguyễn Âu Đệ, Chủ tịch Công ty TNHH Kasekam Youveakchun Svay Rieng cho biết, nhà máy tại Campuchia có công suất ép lên đến 5.000 tấn mía/ngày. Thời gian hoạt động trong năm là 120 ngày (từ 01/12 đến 31/3 hàng năm) với tổng diện tích vùng nguyên liệu mía lên đến 16.000 hecta. Hệ thống dây chuyền nhà máy hiện đại, khi vận hành sẽ tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín.

Như vậy, tại Campuchia, bên cạnh nông trường Svay Rieng hiện hữu với tổng diện tích 2.300 hecta, thông qua việc đầu tư chiến lược vào Nhà máy sản xuất phức hợp Đường - Cồn - Điện của Công ty TNHH Kamadhenu Ventures Campuchia này, TTC Sugar sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu lên hơn 70.000 hecta tại 3 nước Đông Dương, đồng thời nâng tổng số nhà máy luyện đường lên 10 nhà máy, hoạt động trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh ngành mía đường Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức, việc TTC Sugar mở rộng quy mô hoạt động là một tín hiệu đáng ghi nhận. Nắm giữ thương hiệu dẫn đầu ngành đường trong nước với vốn điều lệ 5.570 tỷ đồng, tổng lượng đường tiêu thụ hằng năm 572.000 tấn, chiếm gần 40% thị phần nội địa, TTC Sugar đang ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt của một doanh nghiệp đầu ngành.

Sau nhiều dự án cánh đồng mẫu lớn thành công tại Tây Ninh, Gia Lai và Svay Rieng (Campuchia) cộng thêm việc đầu tư chiến lược vào dự án mới với diện tích đất nông trường rộng lớn và hoang sơ như trên, TTC Sugar sẽ có điều kiện để tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, nội lực của mình.

Không những vậy, hoạt động sản xuất mía đường tại tỉnh Kratie cũng sẽ mang lại thu nhập cho nông dân trồng mía, tạo ra công ăn việc làm, từ đó góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đọc thêm