Từ 15/11: Lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc, thiết bị y tế có thể bị phạt đến 30 triệu đồng!

(PLVN) - Đó là nội dung quan trọng quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/9/2020, có hiệu lực từ 15/11/2020. Theo đó, hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh có thể bị xử phạt hành chính từ 20 - 30 triệu đồng. 

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Báo Pháp luật Việt Nam có trao đổi với bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế để làm rõ hơn những vấn đề xung quanh quy định này. 

* Thưa bà Trần Thị Trang, liệu mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng theo Nghị định 117 đối với hành vi tăng giá thuốc, thiết bị y tế như vậy đã đủ sức răn đe?

- Việc xác định mức phạt căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, giá trị của hàng hoá vi phạm và mức độ răn đe, cảnh báo cũng như các yếu tố khác về điều kiện kinh tế, thu nhập, mặt bằng giá cả chung của xã hội tại thời điểm ban hành quy định...

Đối với quy định này, bên cạnh phạt tiền còn có hình thức xử phạt bổ sung như Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn đến 24 tháng và biện pháp khắc phục hậu quả Buộc hoàn trả cho người mua hoặc người bán toàn bộ số tiền chênh lệch.

Trường hợp không hoàn trả được thì nộp vào ngân sách nhà nước. Trong thực tế, đôi khi hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động còn nặng và mang tính “trừng phạt” cao hơn phạt tiền. Do đó, mức phạt như quy định tại Nghị định theo tôi đã bảo đảm tính răn đe.

* Dựa vào căn cứ nào để lực lượng chức năng xác định được thế nào là “giá mua, giá bán bất hợp lý”?

- Lực lượng chức năng sẽ dựa trên các quy định của pháp luật về giá để xác định. Điều này được xác định khi một hàng hoá được định giá mua, bán cao hơn so với mặt bằng giá chung tại thời điểm, địa điểm, không gian cụ thể hoặc cao hơn giá đã kê khai (đối với mặt hàng thuộc diện phải kê khai giá ví dụ như thuốc chữa bệnh) hoặc cao hơn khung giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành mà không giải trình được một cách hợp lý, có căn cứ về các yếu tố cấu thành giá. Trường hợp cần thiết có thể tiến hành trưng cầu thẩm định giá để xác định. 

* Theo bà thì làm sao để phát hiện được hành vi vi phạm này?

- Việc phát hiện vi phạm được thực hiện thông qua tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng, qua phát hiện, tố giác của người dân và của khách hàng, của các phương tiện thông tin, truyền thông...

* Vậy làm thế nào để bảo đảm tính khả thi và nâng cao hiệu quả của quy định trên?

- Để bảo đảm hiệu quả thực thi thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục cho các cơ sở kinh doanh và người dân biết để tuân thủ; thường xuyên quán triệt và tập huấn nghiệp vụ cho cơ quan, người có thẩm quyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và huy động sự tham gia của người dân trong phát hiện hành vi phạm.

Trong Nghị định mới cũng quy định rất cụ thể, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, người có thẩm quyền để tránh buông lỏng quán lý hoặc chồng chéo về thẩm quyền. Trong tháng tới khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính sẽ cho phép áp dụng các hình thức “phạt nguội” thì hiệu quả sẽ cao hơn. 

* Quy định này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng, chống dịch?

- Chắc chắc quy định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác phòng chống dịch trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra; phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn các hành vi nâng giá để trục lợi, bảo đảm tiếp cận của người dân đối với thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch và khống chế dịch thành công!

*Xin cảm ơn bà! 

Đọc thêm