Từ 15/9, tịch thu đồ chơi trẻ em không gắn CR

Từ ngày 15/9, tất cả đồ chơi trẻ em được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải được gắn dấu hợp quy (CR). Những sản phẩm thiếu dấu CR sẽ bị coi là vi phạm quy định và bị tịch thu, xử lý.

Từ ngày 15/9, tất cả đồ chơi trẻ em được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải được gắn dấu hợp quy (CR). Những sản phẩm thiếu dấu CR sẽ bị coi là vi phạm quy định và bị tịch thu, xử lý.

Thông tin trên được ông Trần Văn Vinh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN) đưa ra chiều 27/8 tại buổi họp về thực hiện quản lý đồ chơi trẻ em (ĐCTE). Theo các chuyên gia, đây là bước tiến lớn trong việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, độ an toàn của ĐCTE vốn được bày bán tràn lan trên thị trường từ nhiều năm qua.

Nên chọn ĐCTE có gắn dấu hợp quy để đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa: Như Ý)
Nên chọn ĐCTE có gắn dấu hợp quy để đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa: Như Ý)

Tết Trung thu đã cận kề, việc thực hiện an toàn ĐCTE đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh. Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho biết: đầu tháng 9/2010, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra ĐCTE trên thị trường.

Ông Tuấn cho biết, trong thời gian từ nay đến 15/9, trong quá trình kiểm tra, đoàn chỉ nhắc nhở những đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh ĐCTE tiến hành đánh giá, công bố và gắn dấu hợp quy. “Nhưng từ sau 15/9, ĐCTE chưa gắn dấu hợp quy sẽ bị tịch thu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trước lo ngại dấu hợp quy có thể bị làm giả, ông Vinh cho rằng dấu CR nói lên trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.

Khi chứng nhận và gắn dấu hợp quy cũng đồng thời gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu về độ an toàn của sản phẩm đó. Như vậy, dù dấu CR có bị làm giả hoặc dấu thật gắn trên sản phẩm chưa được đánh giá, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, đơn vị sử dụng dấu CR sẽ bị xử lý. Đây được coi là biện pháp để đưa việc quản lý ĐCTE vào khuôn khổ và người tiêu dùng dần dần lựa chọn hàng hóa tốt, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, đến ngày 27.8 cả nước mới có 111 đơn vị nhập khẩu ĐCTE, 18 đơn vị sản xuất trong nước và 311 đơn vị kinh doanh được chứng nhận hợp quy. Nhìn những con số này không khó để nhận thấy đó là lượng rất nhỏ so với thực tế. Bởi chỉ riêng thị trường Hà Nội cũng có thể nhận thấy con số 311 đơn vị kinh doanh ĐCTE được chứng nhận hợp quy vẫn là quá ít.

Từ năm 1996, Bộ KH-CN đã ban hành một quy chuẩn về danh mục các đồ chơi trẻ em. Theo đó, các loại đồ chơi cho trẻ em trên 3 tuổi phải được kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý. Đến tháng 4/2006, có thêm một quy định đối với ĐCTE, trong đó đồ dưới 3 tuổi phải được kiểm tra các yếu tố độc hai, đặc biệt là hàm lượng kim loại nặng và góc nhọn (do trẻ em thường cho đồ chơi vào miệng hay ngậm, cắn, mút...). Đến năm 2009, việc kiểm soát chất lượng ĐCTE tiếp tục được cụ thể hóa bằng QCVN3: 2009. Với quy định mới, từ ngày 15/4, tất cả các loại đồ chơi được sản xuất trong nước, nhập khẩu và kinh doanh đều phải được kiểm tra các chất ô nhiễm, độ pH, dung dịch, formaldehyde trong các vật liệu bằng gỗ, vải, nhựa... và phải chứng nhận hợp quy và dán dấu hợp quy CR.

Nguồn: Báo Đất Việt

Đọc thêm