Từ 5/11, bớt lúng túng khi xử lý tội “Dâm ô trẻ em”

(PLVN) - Theo hướng dẫn của TANDTC, các hành vi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... của người dưới 16 tuổi) là căn cứ để xác định hành vi dâm ô.
Bị cáo trong một vụ dâm ô được đưa đến TAND TP HCM hồi cuối tháng 8/2019.
Bị cáo trong một vụ dâm ô được đưa đến TAND TP HCM hồi cuối tháng 8/2019.

Ngày 14/10, TANDTC đã công bố Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều từ Điều 141 - 147 của Bộ luật Hình sự (BLHS) và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.  

Chủ trì buổi lễ, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, trong thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là các tội về xâm hại tình dục với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của BLHS trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. 

Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình,  Bộ VHTTDL: "Cá nhân tôi ủng hộ tinh thần của Nghị quyết. Song theo tôi cần phải làm rõ hơn về nhóm đối tượng được coi là bị xâm hại, phân theo độ tuổi cụ thể,  chứ không thể nói chung chung là dưới 16 tuổi. Từ sự phân loại đó sẽ giúp xác định rõ về  hành vi nào được coi là xâm hại ở nhóm tuổi nào. 

 Xuân Hoa (ghi)

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ trẻ em, HĐTP TANDTC đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết đã được HĐTP TANDTC thông qua ngày 20/9/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/11/2019.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Chí Công giới thiệu, Nghị quyết gồm 8 điều, trong đó có các nội dung hướng dẫn cụ thể về xâm hại tình dục trẻ em, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục. 

Nghị quyết cũng hướng dẫn cụ thể một số tình tiết định tội, tình tiết định khung; các trường hợp loại trừ xử lý hình sự; nguyên tắc xử lý với người phạm tội xâm hại tình dục và tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi.

Đáng chú ý bậc nhất, TANDTC xác định dâm ô (khoản 1 Điều 146 BLHS) là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục. 

Cụ thể, gồm các hành vi sau: Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi; dùng bộ phận khác trên cơ thể (tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm người dưới 16 tuổi; dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác. 

Ngoài ra, các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... của người dưới 16 tuổi) cũng là căn cứ để xác định hành vi dâm ô.

Nghị quyết hướng dẫn không xử lý hình sự với người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật (như cha, mẹ, giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ) hay người làm công việc khám chữa bệnh, chăm sóc y tế, người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn... 

Đánh giá về Nghị quyết, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho rằng: “Với việc định nghĩa chi tiết nhiều hình thức xâm hại tình dục và tình tiết tăng nặng, sử dụng ngôn ngữ trung lập về giới, Nghị quyết đã tạo nên một cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ công bằng trẻ em khỏi xâm hại tình dục, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì cách định nghĩa các tội phạm tình dục trong luật có ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức mà điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em”.

Cùng quan điểm, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay: “Nghị quyết đã có những điểm rất mới. Tôi từng tham gia đoàn giám sát của Quốc hội, đi 6 tỉnh thì 6 tỉnh đều có đề nghị hướng dẫn cụ thể và đến nay nghị quyết đã có những hướng dẫn rất chi tiết”.

Với những hướng dẫn như trên, nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết của HĐTP TANDTC đã dập tắt những quan niệm cho rằng hôn hít, cưng nựng trẻ em chỉ là một cách biểu lộ quan niệm yêu thương truyền thống chứ không phải là hành vi phạm tội. PLVN sẽ trở lại vấn đề này trong những số báo sau để giải thích rõ ràng hơn về các quy định trong Nghị quyết trên.  

Từ ngày Nghị quyết có hiệu lực (5/11), trong xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, thẩm phán không cần phải mặc áo choàng đồng phục, hạn chế triệu tập nạn nhân. Trường hợp cần triệu tập, thẩm phán không được hỏi nhiều câu một lúc, không được yêu cầu nạn nhân kể lại chi tiết; không dùng câu hỏi khiến các bé cảm thấy xấu hổ, xúc phạm hoặc bị đe dọa.

Đặc biệt, bản án, quyết định liên quan tới vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi cũng không được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tòa án.

Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày 5/11 theo các quy định và hướng dẫn trước đó thì không căn cứ vào đây để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đọc thêm