Từ chuyện Grab,Uber, lo ngại “tái độc quyền”

(PLO) - Để tránh tình trạng thị trường rơi lại vào cảnh “độc quyền”, nếu không tăng thêm điều kiện đối với Uber, Grab, thì ít nhất Nhà nước nên giảm bớt ràng buộc, cởi trói cho taxi truyền thống, chấm dứt tình trạng “bảo hộ ngược”…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ câu chuyện quản lý cạnh tranh trên thị trường viễn thông...

Thị trường viễn thông Việt Nam được coi là đã phá bỏ thế độc quyền thành công khi hai mươi  năm trước (1997), Tổng cục Bưu điện đã ký cùng lúc 4 giấy phép cho phép VNPT (VDC), FPT, NetNam - Saigon Net và Viettel cùng được cung cấp dịch vụ Internet. 

Sau đó, Viettel- bằng chiến lược giá cước rẻ cùng với khá nhiều ưu đãi, tạo điều kiện từ cơ quan quản lý dành cho nhà mạng nhỏ thời kỳ đầu đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Nhà mạng này vươn lên trở thành nhà cung cấp số 1 về thị phần thuê bao di động 2G, 3G tại Việt Nam với 46,7%.  Các nhà mạng còn lại đều chiếm thị phần dưới 30%.

Sở hữu mức thị phần vượt xa ngưỡng 30%, theo Luật Cạnh tranh, kể từ tháng 6/2015 đến nay, Viettel trở thành nhà mạng duy nhất nằm trong nhóm Doanh nghiệp thống lĩnh thị trường viễn thông. 

Cũng kể từ đó đến nay, rất nhiều lần Viettel đã đề xuất với Bộ Thông tin & Truyền thông về việc được đưa ra khỏi danh sách nói trên, với lý do các nhà mạng cần được đối xử như nhau để đảm bảo cạnh tranh, không phân biệt lớn, nhỏ. Tuy nhiên, luận điểm này không được cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực viễn thông chấp nhận, bởi Luật Cạnh tranh đã quy định rõ: doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh cần phải chịu nhiều sự ràng buộc, kiểm soát về mặt quản lý Nhà nước hơn để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, công bằng cho các nhà mạng nhỏ hơn, tránh tình trạng chèn ép đối thủ, thị trường rơi lại vào cảnh tái độc quyền. 

...tới sự giằng co taxi truyền thống – taxi công nghệ

Theo như cảnh báo của các chuyên gia, “kịch bản” trên rất có thể sẽ xảy ra trong cuộc chiến giữa các ứng dụng taxi công nghệ như Grab/Uber với taxi truyền thống- vấn đề đang “nóng” hiện nay 

Chỉ trong một thời gian ngắn, Uber, Grab đã phá vỡ thế độc quyền của các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam. Dù chưa có số liệu chính thức, nhưng số xe chạy Uber, Grab tại một số thành phố lớn hiện ước nhiều hơn lượng taxi truyền thống ở cả Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, Uber, Grab sẵn sàng áp dụng mức cước rẻ, kết hợp với những khoản trợ giá hào phóng dành cho tài xế để vừa thu hút hành khách, vừa mở rộng thị phần. 

Nhưng liệu mức cước siêu hời của taxi công nghệ có thể kéo dài mãi? Từ tham khảo câu chuyện taxi Uber/Didi tại Trung Quốc bị ghẻ lạnh sau khi chiếm được ưu thế trên thị trường đã đẩy giá lên cao đồng thời có thể cảnh báo rằng, một mô hình kinh doanh khá quen thuộc trên thế giới là, sau khi hạ đối thủ, thâu tóm thị trường, doanh nghiệp thống lĩnh sẽ tăng giá dịch vụ để bù lỗ cho thời gian trước đó, và tình trạng “tái độc quyền” xảy ra. 

Trở lại câu chuyện Việt Nam, việc các hãng taxi truyền thống thua kém đối thủ về nhiều mặt như công nghệ, chất lượng dịch vụ, giá cước, cộng thêm những điểm bất cập của chính sách quản lý hiện tại khiến cho họ không thể cạnh tranh nổi với Grab/Uber. Nguy cơ taxi truyền thống bị đẩy tới chỗ phá sản, đóng cửa hoặc bị chính Uber/Grab thâu tóm là hiện hữu, nếu như cơ quan quản lý không kịp thời điều chỉnh chính sách. 

Đóng hay mở?

Nhưng, nên thay đổi chính sách như thế nào để đảm bảo không vi phạm các hiệp ước quốc tế mà vẫn chống được độc quyền tại Việt Nam?

Độc quyền là một trường hợp đặc biệt của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Khống chế thị phần, áp dụng pháp luật, chính sách, điều kiện kinh doanh bình đẳng, tạo ra một sân chơi bình đẳng, tránh bảo hộ ngược…. là những biện pháp để thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển.

Với những dịch vụ xuyên biên giới mới, sử dụng công nghệ mới như Uber, Grab, Facebook, Google… thì ứng xử như thế nào là một vấn đề không hề đơn giản.

Đối với dịch vụ taxi thế hệ mới như Uber, Grab, trên thế giới đang chia thành 3 hướng ứng xử: cấm hoạt động (Thái Lan, Bỉ, Ấn Độ, London, Pháp, Ý, Bắc Âu…), cho phép hoạt động, nhưng buộc phải nằm trong khuôn khổ pháp lý như một dịch vụ taxi bình thường (một số thành phố ở Mỹ, Úc, Canada…), hoặc cho phép Uber hoạt động với tư cách là một dịch vụ kiểu mới, khác với taxi truyền thống (một số bang tại Mỹ như Pennsylvania, North Carolina…). 

Theo một số luật sư, nếu không tăng thêm điều kiện cho Uber, Grab, thì ít nhất Nhà nước nên giảm bớt ràng buộc, cởi trói cho taxi truyền thống, chấm dứt tình trạng bảo hộ ngược…

Đọc thêm