Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thái Nguyên: Người tiêu dùng đã ưu tiên chọn hàng nội

(PLVN) - Sau 11 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng, ưu tiên lựa chọn sử dụng các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất trong nước, thay vì hàng ngoại nhập, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ như trước đây.
Hàng Việt được bày bán rộng khắp các gian hàng và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hàng Việt được bày bán rộng khắp các gian hàng và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Thái Nguyên cho biết, đó là kết quả của việc cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện CVĐ; gắn thực hiện CVĐ với việc đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; tích cực chỉ đạo triển khai, tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung của CVĐ tới cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Sở Công Thương Thái Nguyên đã quan tâm, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, như: Ban hành cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng; phối hợp tổ chức các hội thảo, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước… Sự ủng hộ của người tiêu dùng cùng nỗ lực của doanh nghiệp đã giúp nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã có các hàng hóa, sản phẩm uy tín, thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư trang thiết bị, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển và đưa hàng hóa đến người tiêu dùng. Các sở, ban, ngành tỉnh Thái Nguyên cũng triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.

Các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường trao đổi trực tiếp giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh…

Kết quả của CVĐ không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn có ý nghĩa tích cực trong thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước trong điều kiện tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt CVĐ, giúp người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt có chất lượng.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ. Đặc biệt, tăng cường vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam./.

Đọc thêm