Tự hào Việt Nam!

Đúng trong ngày Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2010), tin vui bay về từ thành phố Hyderabad (Ấn Độ) xa xôi: GS Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên được Hiệp hội Toán học Quốc tế tặng Giải thưởng toán học Fields cho công trình nghiên cứu về Bổ đề cơ bản chương trình Langlands - một dạng toán học thống nhất giữa hình học và số học. Giải thưởng Fields được coi là tương đương với giải Nobel vì Alfred Nobel trong di chúc nói rõ không trao giải Nobel cho các nhà toán học.

Đúng trong ngày Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2010), tin vui bay về từ thành phố Hyderabad (Ấn Độ) xa xôi: GS Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên được Hiệp hội Toán học Quốc tế tặng Giải thưởng toán học Fields cho công trình nghiên cứu về Bổ đề cơ bản chương trình Langlands - một dạng toán học thống nhất giữa hình học và số học. Giải thưởng Fields được coi là tương đương với giải Nobel vì Alfred Nobel trong di chúc nói rõ không trao giải Nobel cho các nhà toán học.

Có thể nói rằng đây là một vinh dự rất lớn và là niềm tự hào của 86 triệu người dân Việt Nam: Người Việt đã chứng minh rằng mình hoàn toàn có đủ mọi tố chất, khả năng, ý chí để trở thành một trong những dân tộc xuất sắc nhất có quyền “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hằng mong ước.

Con đường lên đến “đỉnh cao xán lạn của khoa học” luôn phải đương đầu với nhiều “gập ghềnh, gian khổ” (từ dùng của Karl Marx). Để có được thành quả cao quý nhất trong lĩnh vực toán học hôm nay, GS Ngô Bảo Châu đã miệt mài học tập, nghiên cứu hàng chục năm trời (năm nay GS Châu 38 tuổi). Ông đã chứng tỏ năng lực xuất sắc về toán học khi liên tiếp nhận nhiều giải thưởng: Clay năm 2004; giải thưởng cho nhà toán học trẻ châu Âu năm 2007; giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp năm 2008. Thành công của GS Ngô Bảo Châu mang đến cho chúng ta rất nhiều điều đáng phải suy ngẫm.

Trước hết, GS Châu có môi trưởng rất tốt để học tập, nghiên cứu tại trường đại học nổi tiếng École Normal Supérieure de Paris. Từ ngôi trường này, rất nhiều tên tuổi lớn của Việt Nam đã được sinh thành như Hoàng Xuân Hãn, GS toán học Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, GS Trần Thanh Vân... Một trong những người thầy tận tụy luôn khuyến khích GS Châu chính là GS Laumon. Trường tốt và thầy giỏi là nguyên tắc, là điều kiện để đào tạo ra các tài năng và nhân cách. Chính GS Ngô Bảo Châu mới đây đã khẳng định rằng “Nếu không nghiên cứu nghiêm túc thì chất lượng đại học Việt Nam mãi be bét” (Vietnam Net, 18-8-2010).

Sự sáng tạo - nội lực tự nó của nhà khoa học là cội nguồn của phát minh, thành tựu. Nếu nhà trường hay chính quyền áp đặt các đề tài, các mục tiêu nghiên cứu một cách cứng nhắc thì kết quả chỉ là “các báo cáo nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra là không hợp lý bởi vì không có bất cứ nghiên cứu mới nào có giá trị” (GS Ngô Bảo Châu). Thực tế ở nước ta hiện nay có hàng ngàn đề tài khoa học, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng giá trị thực sự của nó là hết sức nghèo nàn.

Thầy giáo đọc chép hoặc học thuộc lòng rồi nói như một cái máy chỉ tạo ra những giờ học vô cảm, tẻ nhạt. Nếu mối liên hệ thầy - trò - thầy không tạo nên được sự đồng cảm về nội tâm, sự logic biện chứng của tư duy, sự phản biện - nghi ngờ trước khi đồng ý thì giáo dục đại học chỉ là bản photocopy từ thế hệ này sang thế hệ khác. GS Ngô Bảo Châu cho rằng “Trẻ con Việt Nam đi học nước ngoài tiêu tốn hàng tỷ USD. Muốn cho đại học tử tế, phải có những người dạy tử tế chứ không phải giảng viên học thuộc lòng rồi lên nói là được” (VNN, 18-8).

Năm 2010 có một sự trùng hợp khá thú vị: Đây là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố GS Tạ Quang Bửu - người đầu tiên đặt nền móng - quyết định để học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic toán quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1970. 40 năm kể từ “lần đầu tiên” ấy, nền toán học Việt Nam mới có được thành tựu cao nhất. Xin nhấn mạnh rằng năm 1970 là năm của chiến tranh tàn khốc nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn quan tâm, hướng tới tương lai bền vững của dân tộc, nước nhà.

Nói về giải thưởng Fields của GS Châu, GS Viện trưởng Viện Toán Việt Nam cho biết ông “tự hào và xúc động đến nghẹn cả tim”. Còn GS Hoàng Tụy thì đã ví rất hay rằng “Đây là chiến thắng Điện Biên Phủ thứ ba trong khoa học”. Niềm tự hào chính đáng của chúng ta còn được nhân đôi, nhân ba khi biết rằng trong suốt 70 năm tồn tại, chỉ có 48 người giành được giải thưởng cao quý này. Còn đối với châu Á, GS Ngô Bảo Châu là người thứ tư nhận huy chương Fields (ba lần trước huy chương đều được trao cho các nhà toán học Nhật Bản). Nói cách khác, Việt Nam là nước thứ hai trong 48 nước châu Á giành được Fields!

Viện trưởng Viện Toán Việt Nam đã chia sẻ với các phóng viên tại Ấn Độ rằng rất nhiều đại biểu của các nước đang phát triển đã hỏi ông vì sao Việt Nam có thể làm nên thành tích phi thường đó. Ông đã trả lời rất ý vị và chính xác rằng: “Giá mà các bác Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm còn sống để chứng kiến sự kiện này. Công lao xây dựng nền toán học Việt Nam của các bác và các bậc tiền bối đã góp phần đem đến sự kỳ diệu ngày hôm nay”.

Xin chúc mừng GS Ngô Bảo Châu và chúc mừng nền toán học Việt Nam!

HÀ VĂN THỊNH

Đọc thêm