Tử hình đứa con giết cha chỉ vì vài lời la mắng

Tại phiên tòa, những người dự khán bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành vi phạm tội dã man của bị cáo S. Bị cáo đã giết cha của mình chỉ vì vài lời la mắng …

Tại phiên tòa, những người dự khán bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành vi phạm tội dã man của bị cáo S. Bị cáo đã giết cha của mình chỉ vì vài lời la mắng …

Vào một buổi tối, sau khi đi dự đám cưới rồi đi “lai rai tăng hai” với bạn bè, trở về nhà, S. thấy cha ruột của mình (ông M.) đang ngồi uống rượu một mình. Thấy vậy, S. tiếp tục cùng với cha “lai rai tiếp tăng ba”. Hai cha con uống được nửa lít rượu đế. Rượu vào, lời ra, ông M. buột miệng la mắng đứa con trai của mình vì tội hay bỏ nhà “đi bụi” mà không nói năng gì với cha. S. không những không nghe mà còn cãi lại với cha.

Tức giận, ông M. quát lớn và đuổi S. ra khỏi nhà: “Tao sống một mình, có già đến chết cũng không cần tụi bây”. Nghe vậy, S. “đốp” lại: “Ông muốn chết lắm hả?”. Người cha nói: “Cùng lắm thì mày giết tao chứ gì?”. Nói xong ông M. đi ngủ. S. to tiếng: Ông muốn chết tôi cho ông chết. S.lấy một cây búa đánh nhiều cái vào đầu, vào mặt cha.

Thấy máu ở đầu cha chảy ra nhiều, S. vứt búa xuống nền nhà rồi bỏ chạy ra ngoài. Quay về lấy quần áo, S. thấy ông M. đang ngồi gục đầu ngay cửa ra vào, S. đưa lên giường nằm rồi bỏ mặc ông ở đó, đón xe đi Bà Rịa – Vũng Tàu lẩn trốn. Chiều cùng ngày, con rể của ông M. đến nhà chơi thì phát hiện cha vợ của mình đã chết. Một ngày sau đó, sau khi tiêu hết tiền, S. quay trở về địa phương thì bị công an bắt giữ.

Tại tòa, S. khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và mong tòa xem xét giảm tội vì do lúc đó quá say. Tình tiết này cũng được vị luật sư bào chữa cho bị cáo nêu ra, thế nhưng đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa phản bác, giữ nguyên quan điểm buộc tội và đề nghị tòa bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

Tòa nhận định: “Cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện vụ án để tuyên mức án tử hình đối với bị cáo S. Hơn nữa, tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo S. và luật sư bào chữa cũng không đưa ra được một tình tiết nào mới để Tòa xem xét. Điều đáng nói là bị cáo S. có nhân thân xấu (hai tiền án và một tiền sự chưa được xóa án tích). Do đó, dù bị cáo S. có được hưởng tình tiết giảm nhẹ đi chăng nữa cũng không thể thay đổi khung hình phạt tử hình. Bởi, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của công dân, gây mất trật tự trị an xã hội, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.

“Hành vi phạm tội của bị cáo là hết sức côn đồ, người mà bị cáo tước đoạt tính mạng chính là cha ruột bị cáo; bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng và để mặc cho hậu quả xảy ra”. Do đó, tòa đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án sơ thẩm tử hình bị cáo S. về tội “Giết người”.

Hiển Lê

Đọc thêm