Một năm sau khi mô hình Ngày phổ biến văn bản pháp luật ở Tiền Giang được cả nước biết đến, trở lại Tiền Giang lần này, Ngày phổ biến văn bản pháp luật đã bước thêm những bước dài, với cái tên mới mẻ Ngày pháp luật…
Từ cái nền vững chãi
Ngày 6/10/2008, mô hình giáo dục pháp luật mang tên “Ngày phổ biến văn bản pháp luật” (PBVBPL) đã ra đời với việc ban hành kế hoạch số 122/KH- HDPH của Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Tiền Giang.
Mô hình này sau đó được áp dụng rộng rãi trên toàn địa bàn tỉnh, được các cơ quan nhà nước cũng như nhân dân các địa phương tích cực ủng hộ. Với sự thống nhất của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Hội đồng PBGDPL) của Chính phủ đặt tên Ngày pháp luật cho mô hình này trên cả nước.
Một buổi sinh hoạt Ngày pháp luât tại Tiền Giang |
Ông Phạm Văn Chính, Phó giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang cho biết: “Sau khi áp dụng thí điểm trên toàm tỉnh và có những kết quả hết sức khả quan, lãnh đạo Sở đã quyết tâm đưa Ngày Pháp luật trở thành một mô hình thiết yếu và hiệu quả nhất trong phổ biến giáo dục pháp luật đến với nhân dân.
Sở quyết định thực hiện một “chiến lược song song”, bao gồm việc đưa chủ trương từ Đảng lan tỏa, và phổ biến pháp luật sâu trong dân. Hai động thái này song hành với nhau để Ngày Pháp luật được triển khai nhanh và hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh”.
Với chiến lược song song này, một mặt Sở Tư pháp Tiền Giang trình thường trực Ủy ban tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Ngày Pháp luật từ các chi bộ Đảng cơ sở, ấp…, một mặt xây dựng và áp dụng cho tỉnh một cách thức không kém phần đặc biệt, đó là phát triển Ngày Pháp luật theo hướng “dân vận tẻ nhánh”. Phương thức này bắt đầu được áp dụng vào giữa năm 2010 và đã cho những kết quả đáng ngạc nhiên.
“Dân vận tẻ nhánh”- đưa pháp luật lan tỏa sâu sắc
Để việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt được hiệu quả sâu rộng, Sở Tư pháp Tiền Giang đã chủ trương tuyên truyền bằng dân vận. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sẽ được lồng ghép vào tất cả các hoạt động của các hội, đoàn như tổ tự quản, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ…
Đồng thời, một chương trình lồng ghép việc tuyên truyền kiến thức pháp luật cũng được Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh, đó là “Một tăng bốn giảm”: Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật và giảm tội phạm, giảm tai nạn giao thông, giảm nghèo và giảm ô nhiễm môi trường…
“Để tìm hiểu việc triển khai Ngày pháp luật trên địa bàn tỉnh, chúng tôi tìm đến một số xã vùng xa. Yên Luông là xã loại 2, cách trung tâm Mỹ Tho chừng 20 km. Xã bao gồm 4 ấp, dân số trên 7.000 người” - Ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch Mặt trận xã cho biết. Thực hiện Ngày pháp luật, xã Yên Luông thành lập mỗi ấp một “Tổ tuyên truyền”. Tổ phối hợp chặt chẽ với Tư pháp xã. Ngày Pháp luật của mỗi tổ được ấn định vào một ngày riêng, phù hợp với thời gian của các thành viên.
Dù trời mưa, người dân ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, Chợ Gạo, Tiền Giang vẫn tham dự Ngày pháp luật đông đủ |
Không chỉ có thế, với chủ trương “dân vận tẻ nhánh”, việc tuyên truyền pháp luật không bỏ sót đối tượng người dân nào: Người lớn thì có Hội nông dân, Hội phụ nữ, thanh thiếu niên thì có Đoàn thanh niên… và mỗi ngày sinh hoạt Hội, đoàn đội đều trở thành “Ngày Pháp luật” có lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật.
“Ngày pháp luật không chỉ là ngày định kì theo quy định, mà còn là bất cứ “ngày” nào dành để tuyên truyền, phổ biến những nội dung pháp luât cần thiết cho các đối tượng người dân. Tại địa phương chúng tôi, nổi bật có đối tượng thanh thiếu niên thường xuyên không chấp hành luật giao thông, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu. Ngày Pháp luật dành cho đối tượng này là ngày mà Tư pháp phối hợp với Công an để mời các em lên giảng giải, khuyên nhủ và phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho các em” – ông Chính cho biết.
Tại xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo thì có 12 tổ tự quản, mỗi tổ họp một ngày định kì xoay quanh các vấn đề về dân sinh, đời sống và nhất là không thiếu lồng ghép… tuyên truyền phổ biến pháp luật. Đặc biệt hơn, tuyến dân vận pháp luật của xã còn được thành lập với các tên gọi ý nghĩa: Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, CLB Tuổi trẻ phòng chống vi phạm pháp luật, CLB Tìm hiều pháp luật cho phụ nữ… và hầu hết các CLB đều có Ngày Pháp luật cho riêng mình.
Ông Đặng Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Yên Luông, ông Trần Văn Năm, Bí thư xã Hòa Định và nhiều vị lãnh đạo các địa phương khác trên đia bàn tỉnh đều không ngần ngại khẳng định, từ khi Ngày Pháp luật được thực hiện, người dân được nâng cao ý thức pháp luật hơn rất nhiều. Điều này không chỉ là nhận định suông mà thể hiện ở con số giảm tội phạm, giảm bạo hành gia đình ở mỗi xã… Và, người dân ý thức hơn rất nhiều những quyền và nghĩa vụ pháp luật của mình.
“Quan trọng nhất trong “dân vận tẻ nhánh” là sự phối hợp chặt chẽ của Tư pháp tỉnh, tư pháp phường xã với lực lượng dân vận địa phương. Đón nhận công văn 3535/HĐPB do hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương ban hành về việc nhân rộng mô hình Ngày Pháp luật trên cả nước, chúng tôi quyết tâm từ cái nền Ngày PBVBPL, sẽ đưa Ngày pháp luật trở nên gần gũi và tác động sâu rộng trong dân…” - Phó giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang Phạm Văn Chính bày tỏ.
Ngọc Mai