100% thám tử Việt Nam hoạt động chưa được cấp phép

(PLO) - Dù hoạt động thám tử chưa được cấp phép và thừa nhận nhưng các công ty thám tử ở Việt Nam vẫn mọc lên như nấm. Các thám tử tư cũng đủ thành phần và không được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Chỉ cần sơ suất, các thám tử có thể bị kiện bất cứ lúc nào vì xâm phạm bí mật đời tư. 
Bị cấm vẫn “trăm hoa đua nở”
Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Nghị định 108/NĐ – CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư cũng liệt lĩnh vực thám tử tư vào danh mục cấm đầu tư. 
Tuy nhiên, chỉ cần vào mạng Google, gõ từ “Công ty thám tử”, sau vài giây sẽ tìm được lời mời hấp dẫn của hàng trăm công ty thám tử khắp trong Nam, ngoài Bắc. Các Công ty quảng cáo có dịch vụ tìm người, dịch vụ theo dõi giám sát vợ hoặc chồng ngoại tình, giám sát con cái, giám sát kẻ mà bạn cho là gián điệp công ty đến dịch vụ xác định nhân thân, cung cấp thông tin về đối tác kinh doanh... 
Các công ty này cũng không ngần ngại giới thiệu mình có công nghệ hiện đại để giúp một người theo dõi từ xa vợ, chồng, con cái, nhân viên qua kiểm soát tin nhắn điện thoại, gắn thiết bị ghi âm, thiết bị định vị…. Nhiều công ty niêm yết công khai bảng giá dịch vụ như giám sát theo giờ thì thời lượng tối thiểu phải là 4 tiếng, phí thuê thám tử tối thiểu là 600 nghìn đồng. Theo dõi giám sát theo ngày, mức phí từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng/ ngày, xác minh chủ nhân số điện thoại thấp nhất là 3 triệu đồng, xác minh nhân thân mức phí thấp nhất là 4 triệu đồng. 
Chỉ cần nhấc máy gọi tới các số điện thoại đăng công khai trên các trang Web, những người có nhu cầu sẽ được các công ty thám tử “túm chặt lấy”, tư vấn nhiệt tình về các tiện ích mà họ sẽ nhận được nếu đặt bút ký vào các hợp đồng thuê thám tử.
Thuê thám tử: có người “tiền mất, tật mang”
Hai tháng gần đây, thấy chồng hay đi sớm về khuya, tâm trạng lúc vui, lúc buồn, chị Thanh không khỏi nghi hoặc. Gạn hỏi, anh Nam chồng chị chỉ bảo công việc cơ quan nhiều nên mệt. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm của người vợ, chị Thanh không thể yên tâm với giải thích của chồng. Sau khi được “rót mật” từ những lời tư vấn, chị quyết định tìm đến Công ty thám tử Bình An. 
Chị phải ký hợp đồng với mức phí theo dõi giám sát 1.000.000 đồng/1 ngày. Đổi lại, Công ty thám tử phải cam kết giữ bí mật về khách hàng và chịu mọi trách nhiệm về tính chính xác của thông tin. Trong trường hợp bị anh Nam phát hiện và kiện xâm phạm đời tư, Công ty thám tử  phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. 
Có điều, sau nửa tháng hồi hộp chờ “bằng chứng” khả nghi của chồng, kết quả mà chị Thanh nhận được chỉ là thông tin chồng chị hoàn toàn “trong sạch”. Vừa tiếc đứt ruột khoản tiền gần 2 tháng lương phải trả cho Công ty thám tử, chị Thanh vừa nghi Công ty này “làm xiếc” để lấy tiền của chị nhưng đành cắn răng không biết kêu ai. 
Không giống chị Thanh, thời gian gần đây, anh Quang luôn cảm thấy bất an khi ra khỏi nhà. Anh nghi ngờ có người đang theo dõi mình. Tuy nhiên, ai theo dõi và theo dõi anh vì mục đích gì thì anh hoàn toàn không biết. Một lần anh tình cờ mở ngăn tủ đựng nữ trang của vợ và phát hiện một bản Hợp đồng thuê thám tử do chính vợ anh là khách hàng. Khoản tiền mà vợ anh phải trả cho dịch vụ thám tử theo dõi chồng suốt mấy tháng qua lên tới hàng chục triệu đồng. Không kìm được cơn nóng giận, anh quyết định ra Công an phường trình báo. Anh cũng dẫn vợ đến công ty thám tử làm um lên một trận, dọa kiện ra tòa về hành vi xâm phạm đời tư. 
Thiếu hành lang pháp lý
Không phủ nhận việc nhiều người đã tìm lại sự bình an sau khi đến với các công ty thám tử. Xã hội ngày càng phát triển, nhiều sự việc xảy ra vượt quá tầm kiểm soát của các gia đình khiến không ít người tìm tới dịch vụ thám tử như một giải pháp tâm lý. Nhiều người nhạy bén nhìn thấy tiềm năng phát triển của loại hình dịch vụ này và các công ty thám tử cũng vì thế mà ngày càng nở rộ. 
Tuy nhiên, chính vì còn thiếu hàng lang pháp lý nên hoạt động này cũng vàng, thau lẫn lộn. Nhiều khách hàng đã “tiền mất, tật mang” khi tìm đến công ty thám tử và nhiều thám tử tư cũng phải gánh trái đắng từ chính nghề nghiệp của mình. 
Theo Luật sư Nguyễn Văn Phước, Trưởng văn phòng Luật sư Huế thì căn cứ Hệ thống ngành Kinh tế Việt Nam 2007 ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hoạt động của thám tử tư nhân thuộc dịch vụ điều tra có mã ngành 80300. 
Như vậy, có thể khẳng định, hoạt động của thám tử tư được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động thám tử tư. Có quá nhiều vấn đề cần phải được đặt ra để giải quyết như: Những thông tin, tài  liệu thu thập được từ hoạt động thám tử có giá trị như thế nào trong hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự? Những tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thám tử có cần phải qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề không? Cơ quan nào trực tiếp quản lý giám sát hoạt động này? 
"Hiện nay, hoạt động thám tử tư đang diễn ra khá phổ biến. Rất cần có một văn bản pháp luật quy định rõ ràng và sự quản lý của các cơ quan chức năng” - LS Phước nói.

Đọc thêm