5 năm, 1.771 trẻ em Việt được tạo điều kiện làm con nuôi nước ngoài

(PLO) - Hôm qua (24/11), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế và Hội nghị tổng kết 5 năm thực thi Luật Nuôi con nuôi.
5 năm, 1.771 trẻ em Việt được tạo điều kiện làm con nuôi nước ngoài

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, sau gần 6 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi và gần 5 năm thi hành Công ước La Hay, công tác nuôi con nuôi đã được những kết quả nổi bật. Tuy nhiên, việc thực thi chế định nuôi con nuôi ở Việt Nam vẫn không thể tránh được những tồn tại, bất cập, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề nuôi con nuôi của Việt Nam là rất lớn. Điều này đặt ra Việt Nam cần thiết phải có đánh giá toàn diện thực trạng công tác giải quyết nuôi con nuôi thời gian qua, những kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, tìm ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp khả thi để nâng cao, chất lượng hiệu quả công tác giải quyết nuôi con nuôi. 

Theo báo cáo của Cục Con nuôi, trong giai đoạn 2011-2015, trên toàn quốc 14.539 trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi ,trong đó 12.768 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài. Đối với nuôi con nuôi nước ngoài, tính đến ngày 31/10/2016, 433 trẻ em đã được giải quyết làm con nuôi nước ngoài. Việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài đối với trẻ em thuộc diện có nhu cầu chăm sóc đặc biệt được thực hiện bài bản, dần tiếp cận trình tự thủ tục theo Công ước La Hay. Tuy nhiên, qua thống kê số liệu giải quyết nuôi con nuôi trên toàn quốc cho thấy, triển khai công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài ở một số địa phương còn chậm, hạn chế về số lượng, chưa đồng đều và chưa có sự quan tâm đầy đủ của các cấp có thẩm quyền. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra phương hướng để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay. Trong đó, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương; bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức và kinh nghiệm tâm lý xã hội cho cán bộ công chức làm công tác nuôi con nuôi quốc tế; tăng cường trao đổi để có điều chỉnh phù hợp hoặc đưa ra những định hướng đúng trong quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời kiểm tra, giám sát tình hình cho, nhận con nuôi quốc tế và tình hình tài chính có liên quan đến việc cho nhận con nuôi quốc tế…

Đọc thêm