9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2020

(PLVN) - Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2019, năm 2020, Bộ Tư pháp xác định rõ các phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác, trong đó tập trung vào 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đánh giá tại Báo cáo số 01/BC-BTP được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, trong năm 2019 Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm và xây dựng, ban hành sớm Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác. Công tác chỉ đạo điều hành của toàn Ngành được thực hiện quyết liệt, thống nhất, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Đã hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong năm. Những kết quả đó tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật

Bước sang năm 2020, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước, của ngành Tư pháp. Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp đã xác định rõ các phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác, trong đó tập trung vào 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là, tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới. Tiếp tục xây dựng, nghiên cứu xây dựng và triển khai thi hành hiệu quả một số Luật.

Nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với luật. Chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh xử lý văn bản đã được phát hiện, kết luận không phù hợp với quy định. Tập trung cao cho việc rà soát VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, ngành; xác định rõ những văn bản, quy định không còn phù hợp để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, nhất là các văn bản, quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến THADS, thi hành án hành chính; nâng tỷ lệ THADS xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật.

Tham mưu xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước và bổ trợ tư pháp. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III. Đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng, vận hành hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư đối với kết quả tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021” và Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên giai đoạn 2018 - 2022”.

Đồng thời, tham mưu giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; chú trọng phòng ngừa các tranh chấp quốc tế; nâng cao năng lực cán bộ pháp chế, tư pháp trong tham gia giải quyết các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện có yếu tố nước ngoài liên quan tới cơ quan nhà nước Việt Nam. Hoàn thiện hồ sơ gia nhập Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho việc thực thi Công ước sau khi gia nhập. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế phục vụ thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Bộ, Ngành.

Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, nhất là việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử. Hoàn thành việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tư pháp Phiên bản 2.0. Xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành. Tiếp tục thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm và nghiên cứu mở rộng ra các lĩnh vực khác có nhu cầu cao của người dân, doanh nghiệp.

 Nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ các cơ quan tư pháp các cấp trong tham mưu giải quyết các vấn đề pháp chế và tư pháp; triển khai thực hiện tốt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Thực hiện hiệu quả việc luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị thuộc Bộ.

Bộ Tư pháp cũng xác định năm 2020, sẽ rà soát, đánh giá lại công tác đào tạo luật các cấp và đào tạo các chức danh tư pháp tại các cơ sở đào tạo của ngành Tư pháp; đề xuất giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” và Đề án "Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp". Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật./. 

Đọc thêm