Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án dư luận quan tâm

(PLVN) - Chiều nay (18/3), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cải cải cách Tư pháp tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả cải cách Tư pháp năm 2020 và triển khai công tác trọng tâm trong năm 2021.

Trong năm 2020 vừa qua, thực hiện chương trình trọng tâm của công tác cải cách Tư pháp giai đoạn (2016-2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, góp phần tăng cường hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mặt công tác trong cải cách Tư pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, về hoạt động của các Cơ quan Tư pháp, nhất là sự phối hợp giữa các Cơ quan Tư pháp ngày càng chặt chẽ. Trong năm, ngành Công an đã đã tiếp nhận và giải quyết 1.112 tin báo, đạt tỷ lệ hơn 91%; Viên kiểm sát 2 cấp  đã thụ lý hơn 1.000 vụ việc, với 913 bị can và đã giải quyết 442 vụ, với 666 bị can; Tòa án hai cấp thụ lý 7.233 vụ án các loại, đã giải quyết 5.147 vụ án; Thi hành án dân sự 2 cấp trong tỉnh cũng đã thụ lý hơn 12.662 vụ việc, đã giải quyết xong hơn 7.442 vụ việc. 

Đặc biệt, Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng đã quan tâm chỉ đạo Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp làm tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác Tư pháp. Đẩy mạnh các hoạt động bổ trợ tư pháp và thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Từ đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam phát biểu Kết luận cuộc họp.
 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam phát biểu Kết luận cuộc họp.  

Tại Hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan tư pháp thảo luận một số nội dung liên quan đến thực lực của đội ngũ làm công tác tư pháp, lĩnh vực còn nhiều tồn tại trong giám định tư pháp, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong khối tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử; đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCTP năm 2021 và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác CCTP. 

Tại Hội nghị cũng đã nghe các Cơ quan Công an, VKS, Tòa án, Tư pháp thảo luận, nêu lên một số vấn đề còn vướng mắc trong công tác phối hợp thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, đặc biệt là án kinh tế, án tham nhũng. Đồng thời đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Phát biểu Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Thị Ái Nam đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác cải cách Tư pháp năm 2020. Để làm tốt hơn nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, đồng chí đề nghị cấp ủy các cấp và các cơ quan tố tụng cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách Tư pháp. Chú trọng công tác Thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, nhất là phát huy sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ, việc kéo dài mà dư luận quan tâm. Làm tốt hơn nữa công tác cải cách tư pháp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính. Đồng thời các cấp, các ngành phải có giải pháp khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác CCTP. 

Đồng chí Lê Thị Ái Nam cũng đề nghị Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh và Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với các cơ quan tố tụng để kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động xét xử của các cơ quan này. Cùng với đó, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân và làm tốt hơn nữa các hoạt động bổ trợ tư pháp kịp thời trợ giúp pháp lý cho các đối tượng có nhu cầu./.

Đọc thêm