Bắc Ninh hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải ở cơ sở

(PLVN) - UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải ở cơ sở trong 4 năm 2019 – 2022, Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/1tổ/1 năm, đây là một nội dung trong Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 15/7/2019 của UBND tỉnh Bắc Ninh về Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022 trên địa bàn tỉnh.

Thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề  án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”. Nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, tăng cường giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, góp phần bảo đảm ổn định để phát triển địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước. UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu: Việc kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên là nhiệm vụ cần được tiến hành thường xuyên, bảo đảm phát huy triệt để vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận, vai trò quản lý, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện bảo đảm của nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên theo Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; tạo chuyển biến căn bản về chất trong việc xây dựng đội ngũ hòa giải viên có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để tổ chức và thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở và đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, được tiến hành kịp thời, thống nhất và tiết kiệm; phát huy tốt các nguồn lực được giao.

Mục tiêu của Kế hoạch bao gồm: Đến hết năm 2019, kiện toàn xong các tổ hòa giải ở cơ sở đảm bảo đủ số lượng, thành phần theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Đến hết năm 2022, các cộng đồng dân cư khác (các khu chợ, trung tâm buôn bán, khu nhà trọ…) có nhu cầu đều có tổ hòa giải ở cơ sở được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Đến hết năm 2019, 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng được đội ngũ thực hiện việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên (sau đây gọi là đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở) . Đến hết năm 2022, có 100% hòa giải viên được trang bị đầy đủ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành để tự bồi dưỡng. Đến hết năm 2022 có 100% hòa giải viên định kỳ ít nhất một năm 01 lần được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do tỉnh tổ chức theo Chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành. Đến hết năm 2022, 100% đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở của các địa phương, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, cán bộ, công chức các tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp tài liệu nghiệp vụ. Đến hết năm 2022, 100% xã, phường, thị trấn đều bảo đảm cơ sở, vật chất cho hoạt động hòa giải của các tổ hòa giải; thực hiện chi thù lao cho các vụ việc hòa giải đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương.

Để đạt được các mục tiêu trong Kế hoạch, UBND tỉnh đề ra 7 nhiệm vụ cụ thể và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã, bao gồm:

Một là, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên: Rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức, kết quả hoạt động của tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên; trên cơ sở kết qủa rà soát, đánh giá, thực hiện củng cố tổ hòa giải, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên gắn kết với thực hiện củng cố, kiện toàn thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, đảm bảo tất cả các tổ hòa giải đều đủ số lượng, thành phần, chất lượng, đáp ứng nhu cầu hòa giải ở cơ sở; chú trọng vận động, thuyết phục đội ngũ luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đang sinh sống tại địa bàn tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở. Xây dựng thí điểm các mô hình tổ hòa giải ở cơ sở phù hợp với các địa bàn khác nhau theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

Hai là, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên:  Xây dựng, phát hành các tài liệu bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu tham khảo phục vụ đội ngũ hòa giải viên, đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở, cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cung cấp cho các tổ hòa giải, hỗ trợ hòa giải viên tài liệu bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở đã được chuẩn hóa; Sổ theo dõi công tác hòa giải ở cơ sở, các tài liệu bổ trợ khác phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở.

Ba là, xây dựng đội ngũ  tập huấn viên hòa giải ở cơ sở, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho đội ngũ này:  Xây dựng đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở cấp tỉnh (từ 04 đến 06 người); cấp huyện (từ 04 đến 08 người/huyện) từ đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp; cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; giáo viên, giảng viên pháp luật tại trường trung cấp, giảng viên trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; giáo viên dạy giáo dục công dân trong nhà trường, các luật gia, luật sư và các hòa giải viên. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở cấp tỉnh, cấp huyện 

 Bốn là, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở theo Chương trình khung của Bộ Tư pháp:  Tổ chức tập huấn 1lần /1 năm theo đơn vị cấp huyện cho 100% hòa giải viên ở cơ sở

Năm là, hướng dẫn, tổ chức huy động công chức cấp xã, luật gia, luật sư, hội thẩm nhân dân, thẩm phán, thư ký Tòa án, kiểm sát viên cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức khác ở cơ sở đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật hỗ trợ nghiệp vụ cho hòa giải viên trong quá trình hòa giải những vụ việc phức tạp (xây dựng mạng lưới chuyên gia hỗ trợ hòa giải viên), giúp nâng cao năng lực của hòa giải viên.

Sáu là, tăng cường bảo đảm cơ sở vật chất chi hỗ trợ tổ hòa giải, hòa giải viên theo quy định nhằm động viên, khích lệ tinh thần tham gia công tác hòa giải ở cơ sở:  Tổ chức triển khai có hiệu quả Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh quy định cụ thể một số mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Bố trí kinh phí bảo đảm chi cho công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tại địa phương theo phân cấp hiện hành; UBND cấp huyện, cấp xã bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, chi hỗ trợ cho tổ hòa giải, hòa giải viên; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP và các quy định pháp luật về tài chính hiện hành. UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải ở cơ sở trong 4 năm 2019 – 2022,  Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/1tổ/1 năm.

Bẩy là, tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp

Sở Tư pháp được giao chủ trì giúp UBND tỉnh phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện triển khai thực hiện Kế hoạch, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Hy vọng, với sự quan tâm lớn của tỉnh, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./. 

Đọc thêm