"Bài toán" với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

(PLO) - Chế định đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án được quy định trong pháp luật về hình sự và được quan tâm sửa đổi ngày càng phù hợp với thực tiễn tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, chế định này đang đặt ra bài toán cần giải quyết đối với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Bất cập với Bộ luật Hình sự mới

Sau hơn 5 năm thi hành, Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) 2009 đã đạt được kết quả trên nhiều mặt, thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong việc tiếp cận thông tin, được chứng minh nhân thân, yêu cầu cấp Phiếu và sử dụng Phiếu LLTP trong đời sống xã hội. Luật LLTP cũng cụ thể hóa quy định của Bộ luật Hình sự 1999 về chế định đương nhiên được xóa án tích, bảo vệ quyền con người, giúp người từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng. 

Theo quy định của Luật LLTP, Sở Tư pháp có trách nhiệm trong việc cập nhật thông tin khi xác định người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích vào LLTP của người đó. Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP. Ngoài ra, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP.

Thực tiễn thi hành các quy định trên đã gặp một số bất cập. Nhiều trường hợp, kết quả xác minh của cơ quan Công an về việc người đó bị bắt, điều tra, truy tố, khởi tố, xét xử nhưng không có thông tin về bản án hoặc không rõ tình trạng thi hành án. Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh thông tin tại các cơ quan khác có liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án dân sự, UBND cấp xã song đều không cung cấp được thông tin về án tích của người đó vì nhiều lý do như chuyển trụ sở, bản án được xét xử quá lâu… Thực tế ấy gây khó khăn trong việc kết luận về tình trạng án tích của người yêu cầu cấp Phiếu LLTP, chậm trễ trả lời yêu cầu cấp Phiếu của người dân, gây bức xúc kéo dài.

Cần sửa đổi cơ chế phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

Với yêu cầu đặt ra để thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thi hành quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về xóa án tích và trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong cập nhật, xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì Luật LLTP cần thiết có sự sửa đổi quy định về trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin của Viện kiểm sát về quá trình khởi tố, điều tra, truy tố bị can.

Đại diện Trung tâm LLTP quốc gia – đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Luật LLTP - đề xuất: Trong trường hợp xét thấy người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP đề nghị cơ quan quản lý về vấn đề này (có thể thuộc VKSNDTC) cung cấp thông tin về việc người đó bị khởi tố bị can hay không.

Bên cạnh đó, để giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay cho cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP trong trường hợp xác minh về một người bị bắt, khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử nhưng các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án… không cung cấp được thông tin về bản án cũng như quá trình thi hành án của người yêu cầu cấp Phiếu LLTP thì Trung tâm LLTP quốc gia còn đề nghị quy định thẩm quyền của cơ quan quản lý LLTP xác nhận người đó “không có án tích” trong trường hợp này.

Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng trong chế định về xóa án tích, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan có thẩm cấp Phiếu LLTP mà vẫn bảo đảm lợi ích của người dân, phù hợp với nguyên tắc “có lợi cho đương sự”, góp phần không nhỏ vào chủ trương tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội.

Đọc thêm