Báo chí giúp dư luận nhận diện đầy đủ, sâu sắc về những biểu hiện và hậu quả của suy thoái

(PLO) - Chiều qua (6/1), tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã dự và phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm. Báo Pháp luật Việt Nam xin giới thiệu nội dung bài tham luận này của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu:
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chủ trì Tọa đàm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chủ trì Tọa đàm.

Trong thời gian dài vừa qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy được được vai trò quan trọng của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng như công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường hội nhập kinh tế thế giới và xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa của đất nước ta.

Nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận và qua đánh giá của chúng tôi thì trong hoạt động báo chí - xuất bản thời gian qua cũng còn nổi lên vài hạn chế, bất cập cần nhận diện rõ ràng, phân tích nguyên nhân để tìm hướng khắc phục, từ đó phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống theo Nghị quyết Trung ương 4.

Thời gian qua, vì nhiều lý do khác nhau mà một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhất là liên quan đến xây dựng Đảng, đến vấn đề chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Một số báo có thể có quan tâm đến vấn đề trên nhưng cách tuyên truyền về Đảng, về các chính sách của Đảng còn khô cứng nên khó thu hút được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, của dư luận xã hội.

Ngoài ra, vẫn còn  xu hướng thương mại hóa báo chí, câu khách, đăng tin giật gân, phản ánh quá nhiều mặt xấu của xã hội. Có một số vấn đề, hiện tượng mang tính cá biệt trong đời sống xã hội nhưng qua lăng kính của báo chí đã bị phóng đại nên đã phản tác dụng trong khâu tuyên truyền.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tham luận tại Tọa đàm.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tham luận tại Tọa đàm.

Báo chí vẫn chưa thật chú trọng tuyên truyền tấm gương tốt, mô hình hay nên một bộ phận nhân dân có hình dung, nhận thức chưa đầy đủ về đường lối, chủ trương của Đảng. Việc này cũng tạo ra những ngăn cách nhất định giữa Đảng và nhân dân, giữa cán bộ và người dân.

Một số thông tin đưa trên báo chí thiếu sự chính xác cần thiết. Sự kiện chưa được kiểm chứng kỹ càng. Một vài tin, bài đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức. Thực tế thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước báo chí đã nhắc nhở và có biện pháp xử lý nghiêm khắc một số tờ báo và cá nhân liên quan.

Trong công tác đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, báo chí có vị trí, vai trò quan trọng. Thể hiện ở chỗ, báo chí là phương tiện cung cấp thông tin, kiến thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về công tác đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. 

Qua các thông tin về đấu tranh, xử lý những biểu hiện cụ thể về suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, báo chí giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, thái độ không chấp nhận, không khoan nhượng của Đảng, của Nhà nước, của xã hội đối với các biểu hiện suy thoái, thấy được đường lối, hướng xử lý của Đảng, các chế tài, trách nhiệm mà Nhà nước áp dụng cũng như sự phê phán, lên án của dư luận xã hội đối với những người có biểu hiện suy thoái. Từ đó, giúp mỗi cá nhân biết kiềm chế, tự phòng ngừa, tự cảnh tỉnh, phòng ngừa tự suy thoái. Tự nguyện, tự giác sửa chữa, khắc phục những sai lầm, khuyết điểm đã mắc phải, không để tái diễn các hành vi, biểu hiện suy thoái.

Là kênh tạo lập, định hướng và hướng dẫn dư luận xã hội, báo chí có vai trò quan trọng trong tạo lập, định hướng và hướng dẫn dư luận xã hội, nhất là trong nhận diện các biểu hiện suy thoái cụ thể, giúp mọi người có điều kiện so sánh, đối chiếu để nhận diện đầy đủ và sâu sắc về những biểu hiện và hậu quả của hiện tượng suy thoái. Từ đó biết phê phán, lên án, đấu tranh không khoan nhượng đối với các hành vi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cụ thể; biểu dương, ghi nhận, tôn vinh và khích lệ, cổ vũ, động viên đối với các gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng chống suy thoái cũng như động thái tích cực trong tự sửa chữa các sai lầm, khuyết điểm đã mắc phải để tích cực, chủ động vươn lên.

Báo chí là công cụ hữu hiệu để quản lý, điều hành và cải cách xã hội, kênh chủ yếu cung cấp kiến thức, thông tin về tình hình thời sự trong nước và quốc tế, báo chí trực tiếp truyền đạt các thông điệp, các biện pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ và chính quyền các cấp trong công tác hành chính nhà nước có liên quan đến chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên của nhân dân; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng vì đất nước, vì nhân dân phục vụ.

Báo chí trực tiếp tham gia giám sát xã hội và phản biện xã hội đối với những biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cả hệ thống chính trị. 

Để phát huy đầy đủ những vai trò đã được phân tích, làm rõ trên, trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Tiếp tục quán triệt, phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp mọi người nhận diện đầy đủ và đúng đắn về vị trí, vai trò của báo chí nói chung, trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống nói riêng để tạo sự đồng thuận xã hội.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí theo Luật Báo chí để báo chí thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; huy động sự tham gia của đông đảo cơ quan báo chí vào công tác đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác báo chí và hoạt động báo chí theo đúng đường lối, chính sách, nguyên tắc của Đảng. Cơ quan tuyên giáo, cơ quan quản lý báo chí cần định hướng kịp thời về chủ đề, nội dung cần thông tin tuyên truyền, phổ biến trong công tác đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là các động thái, biểu hiện, nguyên nhân, điều kiện và giải pháp đấu tranh. Uốn nắn, chấn chỉnh, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm, sai lầm về đường lối chính trị, trái quy định của pháp luật trong hoạt động của cơ quan báo chí và hoạt động báo chí.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân với các cơ quan báo chí trong cung cấp thông tin, quản lý, sử dụng thông tin về công tác đấu tranh chống suy thoái cũng như đội ngũ phóng viên, biên tập viên trực tiếp được giao phụ trách công tác này để thông tin được cung cấp đầy đủ, bảo đảm tính xác thực, tính khách quan, tính công khai, tính đại chúng và tính chiến đấu. 

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin trên báo chí về đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống gắn với đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng với pháp luật của Nhà nước và giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống trong giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội. 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với cơ quan báo chí và hoạt động báo chí; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã hội, bảo đảm hoạt động báo chí theo đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ, chấp hành Luật Báo chí; kịp thời sơ kết, tổng kết để nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm, bài học hay trong chỉ đạo, điều hành; phát hiện kịp thời những vướng mắc, hạn chế trong hoạt động báo chí.

Không ngừng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đặc biệt, nâng cao bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp; rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nhất là hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến cuộc đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X thông qua tháng 12/2016.

Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về vai trò của báo chí trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Tọa đàm cũng chú ý đánh giá thực trạng chất lượng, hiệu quả công tác báo chí với nhiệm vụ chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thời gian qua; làm rõ những ưu điểm, hạn chế, chỉ ra những nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan và đề xuất những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ quan trọng này, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Đọc thêm