Bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự thảo văn bản

(PLVN) -Quý II/2021, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Bộ Tư pháp cho biêt, trong Quý I/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/2/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng. Ngày 25/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật pháp, lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. 

Tính đến ngày 26/3/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 31 văn bản quy định chi tiết 12 luật đã có hiệu lực. Bộ Tư pháp đã thẩm định 04 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội; 25 dự án, dự thảo VBQPPL; đã kiểm tra theo thẩm quyền 466 văn bản (gồm 27 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; 439 văn bản của địa phương); có 08 văn bản được kết luận trước năm 2021 đã được các Bộ, ngành, địa phương xử lý.

Đối với hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1016/VPCP-PL của Văn phòng Chính phủ, ngày 15/3/2021, Bộ trưởng Lê Thành Long - Tổ trưởng Tổ công tác đã ký Quyết định số 376/QĐ-TCT ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Tổ công tác và Quyết định phân công thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc và Bộ phận thường trực tham gia các Nhóm rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề, lĩnh vực. 

Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý theo Báo cáo số 442/BC-CP của Chính phủ, Tổ công tác cần tập trung chỉ đạo việc tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành theo Kế hoạch (bao gồm: quy định pháp luật về đất đai; quy định pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19; quy định pháp luật liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quy định pháp luật về giáo dục, đào tạo; quy định pháp luật về quản lý giá và thẩm định giá; quy định pháp luật về chi phí trong hoạt động giám định tư pháp).  

Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ thông qua kết quả pháp điển hệ thống QPPL đối với các chủ đề: Bảo hiểm; Giao thông, vận tải; Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự của Nhà nước; Thông tin, báo chí, xuất bản và 27 đề mục (tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 29/01/2021 của Chính phủ)…

Trong Quý II, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai thi hành tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật… Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua: “Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021”; Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành: Quyết định phủ phê duyệt quy hoạch định hướng mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công của ngành Tư pháp; Quyết định sửa đổi, bổ sung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Quyết định ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp; Quyết định quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Bên cạnh đó, thực hiện thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng, tiến độ; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. 

Đọc thêm