Bảo đảm cho Luật Đấu giá tài sản đi vào cuộc sống

(PLO) - Hôm qua (2/6), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị quán triệt Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) khu vực phía Bắc. Luật này được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 2, là một dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động ĐGTS.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, hoạt động ĐGTS đã đạt kết quả đáng kể nhưng cơ sở pháp lý cho hoạt động này mới ở tầm nghị định nên quá trình triển khai còn những hạn chế, bất cập. Vì vậy, cùng với bối cảnh nhiều đạo luật quan trọng được sửa đổi như Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Thi hành án dân sự… thì Luật ĐGTS đã được Quốc hội thông qua, đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều năm có văn bản ở tầm luật quy định về công tác này. 

Khái quát một số điểm chính, quan trọng, Thứ trưởng Dũng nêu nội dung đáng chú ý đầu tiên là Luật đã quy định trình tự, thủ tục ĐGTS áp dụng thống nhất đối với các loại tài sản bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức; đồng thời tách bạch trình tự, thủ tục đấu giá và quy trình trước, sau khi tổ chức bán đấu giá. Luật cũng chuẩn hóa việc đào tạo nghề đấu giá, quy trình tập sự hành nghề đấu giá nhằm nâng cao chất lượng đấu giá viên, tính chuyên môn, chuyên nghiệp của tổ chức đấu giá, đảm bảo đầy đủ trách nhiệm của tổ chức đấu giá trước khách hàng và Nhà nước.

Cũng theo Thứ trưởng, Luật có nhiều quy định nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch hơn, đặc biệt là chú trọng khâu niêm yết, thông báo công khai thông tin về tài sản, tăng tỷ lệ tiền đặt trước để tránh rủi ro, giảm người không có nhu cầu thực sự tham gia đấu giá; thủ tục, hồ sơ tham gia đấu giá được thực hiện công khai, tránh tình trạng tổ chức đấu giá hạn chế người tham gia đấu giá. Đặc biệt, Luật bổ sung quy định hình thức đấu giá trực tuyến, mà nếu thực hiện thì kết quả, hiệu quả công tác đấu giá sẽ còn cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, Luật còn nâng cao trách nhiệm của người có tài sản trong việc tổ chức đấu giá, giám sát cuộc đấu giá, đồng thời có cơ chế kiểm soát hữu hiệu trong quá trình tổ chức bán ĐGTS, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước thông qua việc yêu cầu dừng tổ chức ĐGTS…

Bên cạnh việc quán triệt những nội dung mới của Luật, đánh giá kết quả đạt được trong công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật, Thứ trưởng đề nghị đại biểu thảo luận về những vấn đề cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, phân tích những khó khăn, thách thức đã, đang và sẽ gặp khi triển khai Luật để từ đó tìm ra cách làm hay, giải pháp đột phá, bảo đảm cho các quy định của Luật đi vào cuộc sống, được áp dụng đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trên toàn quốc. 

Sau khi nghe giới thiệu một số điểm mới trong Luật ĐGTS và các chuyên đề liên quan, các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng nhau thảo luận làm rõ cũng như đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể nhiều vấn đề nhằm bảo đảm triển khai Luật một cách hiệu quả, thống nhất. Là địa phương đầu tiên thành lập Hội Đấu giá viên, Phó Giám đốc Hồ Xuân Hương chia sẻ: Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn, quán triệt các công chức, nhân viên làm nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá, có phân biệt giữa doanh nghiệp thành lập trước ngày Luật có hiệu lực và doanh nghiệp thành lập mới. 

Nêu bật 2 điểm mới của Luật về hình thức đấu giá trực tuyến và phương thức đấu giá xuống, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Hải Dương Nguyễn Đại Dân lý giải: Phương thức đấu giá xuống là nội dung hoàn toàn mới, theo kịp thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới nhưng cần hướng dẫn rõ ràng vì không phải trường hợp nào cũng có thể đặt giá xuống được. Tương tự, hình thức đấu giá trực tuyến được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động đấu giá ở Việt Nam công khai, minh bạch, cạnh tranh sôi động hơn.

Đọc thêm